17/09/2010 08:32 GMT+7

Một triệu mảnh vỡ

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Nhân vật trong bài viết hiện ngụ tại đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, 43 tuổi, đang một mình nuôi con trong sự giúp đỡ của cha mẹ. Vượt qua những nỗi lo tiền bạc, chị vừa nộp đơn ly dị lên tòa án.

Nếu không có gì thay đổi, ba ngày nữa tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án Phan Minh Mẫn, 18 tuổi, đã giết cha ruột của mình vì muốn giải thoát cho mẹ và chính bản thân khỏi bị hành hạ thường xuyên (ký sự pháp đình “Thảm cảnh gia đình”, Tuổi Trẻ 23-7-2010).

Bản án tử hình mà tòa sơ thẩm tuyên cho bị cáo Mẫn đã tạo ra sự quan tâm của dư luận. Đã có 430 thư điện tử cùng rất nhiều thư, điện thoại, tin nhắn từ bạn đọc khắp nơi gửi về tòa soạn. Hầu như toàn bộ những phản hồi này đều bày tỏ sự thương cảm với bị cáo Mẫn, phẫn nộ trước tệ nạn bạo hành gia đình. Trong đó có rất nhiều tâm sự của “người trong cuộc” thổ lộ câu chuyện xót xa của bản thân mình.

Những gia đình bạo hành đó chẳng những không là tổ ấm, là nơi nương náu, mà đã trở thành địa ngục, nơi nạn nhân phải sống triền miên trong cảnh bị hành hạ, áp bức, nhục mạ… Trong khi đó dường như không biết kêu cứu cùng ai, những nạn nhân của bạo hành gia đình cô đơn biết bao!

Lần theo những bức thư của bạn đọc, chúng tôi đã gặp để nghe chính một số nạn nhân của nạn bạo hành gia đình kể lại những câu chuyện đầy nước mắt.

Kỳ 1:

Chị xin phép giấu tên vì sợ hãi những xâm hại mà chồng có thể gây ra cho chị và con gái.

qOn1ierD.jpgPhóng to
Em Dương Ngọc Tuấn (thôn 11, xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) - một trong ba người con bị cha ruột là ông Dương Ngọc Uyển chém vào đầu. Vụ việc xảy ra vào giữa tháng 7-2010 - Ảnh: T.B.D.

Chị vừa làm công việc, vừa vật lộn với từng bước dìu dắt con gái thoát khỏi cơn sang chấn tâm lý nặng nề mà bé mang từ lúc trong bụng mẹ tới mãi những năm sau này.

Chị kể về con trai, con gái say mê. Con trai thông minh lắm, làm toán giỏi dù chẳng học thêm ngày nào. Chị dạy toán cho con từ ngày tập đếm tới tận lớp 9. Con đạt giải học sinh giỏi tiểu học cấp thành phố.

Con gái chị xinh đẹp từ ngày lọt lòng. Tự tay chị đã dạy con tập nói, tập đếm, tập nhìn màu sắc, tập nhận vòng tròn, hình vuông. Tự tay chị đưa con đến lớp thể dục thẩm mỹ mỗi ngày để con chơi với bạn và học những điệu nhảy yêu thích. Chị làm bài tập, chơi que tính, xếp màu, tô chữ với con.

Giờ đây, con trai chị 20 tuổi, con gái 10 tuổi. Chị vừa bế con gái tay trắng đi ra khỏi nhà để tránh những trận đòn thù của chồng.

Mái ấm biến mất

Chị và anh yêu nhau khi còn học ở đại học Bách khoa. Ra trường, cả hai người là kỹ sư, lấy nhau tay trắng, nhờ ông bà nội cho một chỗ ở. Sau này nhà ngoại giúp tiền, anh chị mua được căn hộ riêng. Chị sinh con trai. Anh lên chức trưởng phòng. Anh thích nấu ăn, đi chợ, thích mua sắm đồ dùng cho hai mẹ con.

Chị hạnh phúc kể: “Dù có bận gì, họp hành gì, bạn bè gì, ngày thứ bảy, chủ nhật anh không bao giờ đi đâu, quyết phải đi chợ, ở nhà nấu cho hai mẹ con ăn”.

Nhưng cũng từ ngày lên trưởng phòng, anh đi nhậu nhiều hơn. Những cuộc nhậu đem về hợp đồng cho cơ quan, đem tiền về cho gia đình và cũng dần đem anh ra khỏi đời mẹ con chị. Anh trở về nhà, người nồng rượu, quắc mắt, chửi chị sa sả.

Chị khóc. Lần đầu tiên người phụ nữ đầy bản lĩnh, học vị cao và có chức vụ ở một công ty nhà nước như chị bật khóc.

Anh tỉnh thì yên lặng, đi làm, chăm con, nấu ăn. Anh say thì chửi. Những bài chửi bới có thể sa sả từ 3-4 giờ chiều đến tận đêm khuya. Anh chửi hàng xóm dám cắt cây cảnh của anh. Anh bóp khóa ngõ nhốt người chung ngõ ngoài đường giữa đêm khuya. Anh bật nhạc thật to giữa 12 giờ đêm cho đến khi người ta mắng vốn. Tất cả - xen lẫn với những lần xỉ vả và hạ nhục chị - đã biến ngôi nhà ấm áp thuở nào họ phải mồ hôi nước mắt mới có thành chốn địa ngục trần gian.

Năm 2000, chị sinh bé gái thứ hai. Đứa bé rất giống cha. Cũng vì yêu nó, anh dành thời gian cho con nhiều hơn. Chị ảo tưởng về một mái ấm như thuở xưa cũ hai người trong một căn nhà dột nát vừa mua được.

Thiên thần phải khóc

Con gái chị ăn khỏe và lớn nhanh. Nhưng bé dường như lớn không theo một quy tắc nào. Bé dúm dó co mình khi gặp người lạ.

Tết 2004, chị và bé nấu ăn cho bữa chiều. Anh ào về. Sau vài lời chửi mắng, anh xông vào tát chị nhiều bạt tai và kẹp cổ, siết chặt. Con bé ôm chân chị, gào lên khóc một cách tuyệt vọng. Đó là lúc bé 3 tuổi rưỡi.

Cô giúp việc giằng anh ra. Chị khóa cửa bếp tự nhốt mình và con khỏi cơn hung giận của chồng. Từ bên ngoài, anh dùng những chai sâmbanh vừa mua ăn tết ném thẳng vào tấm kính lớn bên trên cửa bếp. Anh vừa ném vừa chửi, 12 chai sâmbanh thấm ướt cánh cửa, vỡ vụn trên sàn. Những lon bia từ các thùng mới mua cũng chịu chung số phận vào tấm cửa kính.

Chị bế con gái ra tận cánh cửa sau bếp nơi để máy giặt, khóa lại. Hai mẹ con ngồi ôm nhau khóc. Trong đời chị, chưa lần nào chị thấy con gái khóc nhiều đến thế. Ngồi trong cái góc vuông hẹp cứng với chiếc chậu và máy giặt ấy, chị thấy bầu trời trùm xuống. Con gái chị khóc mãi không thôi và ngồi trên chiếc chậu úp ngược. Chiếc điện thoại - thứ duy nhất nối chị lại với thế giới - được người giúp việc thòng xuống bằng một sợi dây từ lầu trên.

Chị thoát khỏi nhà nhờ cuộc giải cứu của anh rể, chị gái. Chị ôm con gái đang khóc và cố gắng lôi con trai đang khổ sở trốn trong nhà tắm nức nở không chịu ra.

Không biết những vết vỡ nát đến và đi ra sao, nhưng hàng triệu mảnh thủy tinh mà ngày hôm sau chị gái và người giúp việc phải dọn đến năm giờ mới sạch đã quét hết khỏi chị mọi tình yêu dành cho anh.

Con gái chị ngừng nói. Bé không đọc chữ trong lớp học, không làm toán, không nói chuyện với người lạ. Chị đau xót khi ngày đưa con đến trường, cô giáo chủ nhiệm của bé chỉ mặt chị mà nói: “Không dạy được, bé không biết gì hết”. Chị phải chạy khắp nơi để tìm ra một ngôi trường chịu nhận con gái mình.

Chị khóc nức nở giữa câu chuyện: “Không lẽ con gái mình không thể sống một cuộc sống bình thường? Không đi học làm sao cháu có thể hòa nhập”. Chị lầm lũi đi về, vừa làm công chức, vừa chở con trai đi học, vừa lo con gái đến trường. Người con gái của một gia đình thư thái thuở nào giờ như con tằm đang nhả tơ đến cùng kiệt để bảo bọc tình yêu của mình trong vòng kén mong manh...

Nhưng những trận đòn vẫn không ngưng, hóa thành những lần vung cả mâm cơm xuống nền nhà, đập vênh cửa phòng, ném chiếc kéo cắt đồ ăn vào mặt chị... Anh đánh chị thì con bé ôm chị khóc. Mỗi ngày trôi qua, bao nỗ lực, tiền bạc của chị dồn vào dạy cho con gái bị hóa thành những bước thụt lùi vô nguyên cớ và tuyệt vọng.

Nhiều lần, chị chưa kịp mừng rỡ vì cô giáo bảo “con bé chịu làm toán rồi đấy chị!” thì chỉ ngay một buổi chiều nào đó, cơn say khướt khiến anh lồng lộn lên, chửi bới chị từ ngoài cửa ra tới ngõ. Sau mỗi lần chửi bới ồn ào khắp xóm làng, con gái chị càng im lặng và xa xôi hơn với thế giới của gia đình.

Năm 2007, chị dắt cháu đi điều trị tại Hà Nội. Bác sĩ cho chị xem hình ảnh khảo sát: “Bác sĩ bảo bé vẽ ba thì bé vẽ ba đeo cravat, xách vali và tay cầm chai bia. Bé vừa vẽ vừa vui vẻ, vừa sợ hãi, lúc rất hớn hở, lúc lại co rúm vào”. Con gái 7 tuổi của chị bị sang chấn tâm lý nặng vì phải chứng kiến những bạo hành cha gây ra với mẹ.

Cuộc sống gia đình của chị tổng kết lại là những đêm chị nằm co người ôm con gái, quắp lại vì sợ tiếng mở cửa của chồng. Đứa con trai trở thành người mở cửa để tránh cho mẹ trận đòn say xỉn của cha. Đó còn là những đêm khuya ngắt lạnh, chị run rẩy đi từ phòng ngủ xuống len lén dọn bát đĩa anh bày ra sau cuộc ăn muộn từ bàn nhậu trở về. Đó là những ngày hàng xóm chửi đổng vì những xúc phạm anh dành cho hết thảy mọi người xung quanh mà chị phải khóc nức nở xin bà con tha thứ giữa tổ dân phố.

Chị kể: “Lần cuối cùng ông ấy đứng từ trong nhà chửi ra, cho hết thảy cha mẹ tôi, hàng xóm nghe là tôi cặp kè với người này người khác. Đó là lúc tôi không thể chịu đựng được nữa”. Chị dọn đồ đạc và bế con gái về nhà ông bà ngoại sống, chính thức bắt đầu nộp đơn ra tòa xin ly hôn.

Ngăn tủ đựng giấy tờ ở cơ quan của chị là nơi cất áo len, bình sữa, vớ chân... cho bé. Khi rời bỏ ngôi nhà chị đã mồ hôi nước mắt xây nên, chị chọn cả cuộc đời mình phải đi tiếp với con gái bé nhỏ. Bác sĩ bảo bé chậm hơn người ta 2-3 tuổi, chị phải đi cùng con để đi nhanh hơn.

Chị cầm tờ báo đọc về bản án tử hình tòa tuyên cho Phan Minh Mẫn giết cha, khóc nói: “Không ở trong cảnh bị hành hạ tra tấn bởi một người say, người ta không thể hiểu đó là địa ngục”.

Một đêm không ngủ, chị viết thư gửi cho báo, xin cho em Mẫn đừng chết. Chị khóc trên trang giấy.

Nước mắt của một gia đình (đúng hơn là của chị và những đứa con) rơi suốt 20 năm, có lẽ phải nhiều bằng cả một dòng sông nặng nhọc gom lại...

________________

Kỳ 2: Trốn khỏi tuổi thơ bạo hành

Người phụ nữ hiện là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty xây dựng đang làm ăn phát đạt ở TP.HCM. Từng trốn thoát người cha bạo hành ở quê nhà, chị đang dang tay giúp đỡ những đứa trẻ cũng là nạn nhân của bạo hành như mình.

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên