Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Lang với các tài liệu, chứng cứ chuẩn bị vụ kiện đòi bồi thường vì “lô cốt” án ngữ - Ảnh: CHI MAI |
Đến nay, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã làm việc với phía nguyên đơn để đề nghị cung cấp các chứng cứ liên quan yêu cầu đòi bồi thường.
“Lô cốt” án ngữ hơn 42 tháng
Bị đơn đã nộp hồ sơ theo yêu cầu của tòa Ông Phan Châu Thuận - giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - cho biết vừa nộp một số hồ sơ theo yêu cầu của TAND TP sau khi ông Nguyễn Văn Lang kiện Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP và Sở Giao thông vận tải TP ra tòa. Trong những năm qua, ban quản lý dự án có một số lần tiếp xúc và trao đổi với cả hai phía để hòa giải nhưng ông Lang không chấp nhận, còn phía nhà thầu TMEC & CHEC-3 cho rằng họ không có lỗi. |
Ông Lang nói: “Tôi phải khởi kiện vì đã chịu quá nhiều thiệt hại. Không phải cứ lấy lý do xây dựng công trình công cộng, vì lợi ích cộng đồng mà thoải mái gây thiệt hại cho người dân”.
Theo ông Lang, căn nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự của ông sau giải tỏa đã trở thành nhà mặt tiền đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Q.1. Từ năm 2001, gia đình ông kinh doanh quán ăn tại nhà với thu nhập rất tốt. Đến tháng 1-2005, khi thi công công trình cống bao giếng S27 (dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thì nhà thầu xây dựng Tmec & Chec-3 (Trung Quốc) đã cho rào “lô cốt” sát cửa nhà, khiến không có khách hàng đến quán ăn.
Tháng 1-2007, “lô cốt” được dỡ bỏ nhưng tới tháng 11-2007 lại được dựng lên, đến cuối năm 2009 mới được tháo dỡ hoàn toàn. Theo tính toán của ông Lang, thu nhập có được từ quán ăn của ông mang lại còn nhiều hơn số tiền đòi chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại 6 triệu đồng/tháng. Tổng cộng thời gian “lô cốt” án ngữ trước cửa nhà ông Lang là 42 tháng, nên ông yêu cầu tòa buộc chủ đầu tư phải bồi thường 252 triệu đồng.
Về việc xây dựng tuyến cống bao giếng S27 còn gây thiệt hại khác là làm lún, nứt căn nhà của gia đình ông Lang thì Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc làm việc giữa nhà thầu xây dựng và gia đình ông để thương lượng bồi thường.
Phóng to |
Ảnh: Hải Duy |
Phóng to |
Ảnh: Minh Đức |
Ban đầu, nhà thầu Tmec & Chec-3 không đồng ý bồi thường vì cho rằng hư hỏng, sụt nứt của các căn nhà gần kênh là tất yếu. Sau đó, nhà thầu đồng ý bồi thường cho gia đình ông 8 triệu đồng. Các bên đã thỏa thuận mời cơ quan kiểm định độc lập để xác định thiệt hại. Kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định Sài Gòn kết luận giá trị sửa chữa thiệt hại đối với căn nhà của ông Lang là hơn 31 triệu đồng. Thế nhưng trong lần làm việc cuối năm 2009, nhà thầu chỉ đồng ý bồi thường 50% số thiệt hại đã được kiểm định trên. Quá bức xúc, gia đình ông Lang cũng khởi kiện chung với việc đòi bồi thường thiệt hại do bị đình trệ kinh doanh.
Chứng cứ đến đâu, bồi thường đến đó
Tháng 10-2009, đơn khởi kiện của gia đình ông Lang đã được TAND quận 1 thụ lý. Ông Lang đã nộp tạm ứng án phí hơn 9 triệu đồng. Sau đó TAND quận 1 đã chuyển vụ việc lên TAND TP.HCM vì cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa này.
TAND TP.HCM cho hay vụ kiện của ông Lang là vụ kiện đầu tiên mà tòa thụ lý về việc đòi bồi thường do rào chắn, dựng “lô cốt” đào đường. Theo TAND TP.HCM, hiện tòa đã nhiều lần làm việc với phía nguyên đơn để yêu cầu cung cấp các chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tiếp đó, tòa tiến hành cho hòa giải giữa các bên, nếu hòa giải không thành thì mở phiên tòa xét xử.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, người dân có quyền kiện đòi chủ đầu tư công trình phải bồi thường thiệt hại cho mình. Luật sư Nghiêm nói đây là vấn đề kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó khi đòi bồi thường thì nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thực tế của mình.
Luật sư Nghiêm phân tích: tòa sẽ buộc chủ đầu tư dự án có trách nhiệm phải bồi thường nếu chủ đầu tư có lỗi trong việc thi công (thi công chậm trễ, rào chắn không đúng quy định, không đảm bảo an toàn...). Chẳng hạn thời gian được phép rào chắn đường chỉ trong vòng 12 tháng nhưng thời gian thực tế rào chắn “lô cốt” kéo dài hơn thì chủ đầu tư có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người dân trong khoảng thời gian quá hạn. Thiệt hại phát sinh cũng phải được chứng minh là do hậu quả của việc rào chắn đem lại.
Luật sư Lê Đình Phạt, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng nói Bộ luật dân sự đã quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tôn trọng nguyên tắc xây dựng, đảm bảo an toàn đối với công trình xây dựng liền kề, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Luật sư Phạt cho rằng thiệt hại do “lô cốt” ngáng đường ai cũng biết, nhưng để được tòa chấp thuận yêu cầu bồi thường thì phía nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh bằng các tài liệu hợp pháp về việc mất thu nhập. Nguyên đơn cung cấp chứng cứ được đến đâu thì tòa án căn cứ vào đó để buộc Sở Giao thông vận tải TP phải bồi thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận