26/08/2010 07:24 GMT+7

Không khởi tố "đinh tặc" là bỏ lọt tội phạm

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG (TP.HCM)
Luật sư TRẦN HỒNG PHONG (TP.HCM)

TT - Ngày 25-8, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với “đinh tặc” Nguyễn Văn Công về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Khởi tố "đinh tặc" ở Bình Dương

rwup8QWN.jpgPhóng to
Nguyễn Văn Công (trái) tại cơ quan điều tra

Trong khi đó tại TP.HCM, dù có nhiều “đinh tặc” đã bị bắt quả tang nhưng tới nay vẫn không có vụ nào bị xử lý hình sự, theo tôi điều đó thể hiện sự thiếu quyết tâm truy quét tội phạm, hay chính xác hơn là thiếu trách nhiệm, bỏ lọt những hành vi phạm tội rõ ràng như ban ngày.

Lý do để không xử lý hình sự mà lâu nay các cơ quan chức năng đưa ra thường là “không có người bị hại”, “khó xác định được mức độ thiệt hại”, hay “giá trị thiệt hại không lớn” - cách lý giải như vậy theo tôi là không đúng bản chất vấn đề.

Trước hết, thiệt hại do hành vi rải đinh gây ra phải được hiểu là tổng hợp thiệt hại của nhiều người, của cả xã hội, chứ không phải và không thể là thiệt hại của từng người một. Giống như trong vụ án Vedan, nếu một người dân do nước ô nhiễm bị mất 50kg cá là không lớn, người cán đinh phải thay một cái ruột xe 50.000 đồng là nhỏ. Nhưng nếu làm rõ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người là nạn nhân của “đinh tặc” thì thiệt hại rất rõ ràng.

Ngoài ra, còn có thiệt hại vô hình như mất thời gian (bị trễ giờ), là bao nhiêu phiền toái, hậu quả kéo theo...

Chiếu theo quy định tại Bộ luật hình sự, hành vi rải đinh có dấu hiệu của hai tội: “cố ý làm hư hỏng tài sản” và/hoặc “cản trở giao thông đường bộ”.

Theo luật, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ dưới 2 triệu đồng nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” là có dấu hiệu tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tuy luật không quy định rõ dưới 2 triệu đồng là bao nhiêu, nhưng nếu đơn giản so sánh với hành vi cướp giật, dù chỉ là một chiếc nón vải giá 10.000 đồng cũng đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì việc khởi tố hình sự “đinh tặc” không có gì là không thể.

Về tội “cản trở giao thông đường bộ”, tại khoản 4, điều 203 Bộ luật hình sự có quy định “phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời”, theo đó không cần phải xác định thiệt hại là bao nhiêu vẫn bị kết tội.

Rõ ràng ai cũng biết hành vi rải đinh tiềm ẩn khả năng gây chết người cho nạn nhân (ngã ra đường). Vì vậy hoàn toàn có thể khởi tố “đinh tặc” về tội này.

Những điều tôi nói ở trên không phải là lý thuyết. Thực tế từ năm 2002 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử hai “đinh tặc” về cả hai tội danh trên, mức án là 40 và 42 tháng tù.

Điều đáng nói hơn trong vụ việc này, lực lượng chức năng địa phương không phải là bắt “nóng” (bắt trong tình trạng phạm tội quả tang) như các trường hợp tại TP.HCM, mà là qua kiểm tra tại nơi vá sửa xe và quá trình đấu tranh khai thác - thu thập đủ chứng cứ để khởi tố hình sự.

Hành vi của “đinh tặc”, theo tôi, đã vi phạm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng được quy định tại chương XIX Bộ luật hình sự, nhưng tội danh áp dụng là tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” thuộc về các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại chương XIV?

Theo tôi, hành vi rải đinh trên các xa lộ, các tuyến quốc lộ của các “đinh tặc” phải được xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe cho xã hội. Bởi lẽ hành vi nguy hiểm này không những đã cản trở sự hoạt động của giao thông đường bộ mà còn có thể trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người đi xe khi họ đang đi với tốc độ cao.

Điều 203 Bộ luật hình sự - tội cản trở giao thông đường bộ, quy định:

“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm:

...b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ...

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.

Do đó, chỉ cần có hành vi rải đinh trên đường là đã cấu thành tội phạm, không nhất thiết phải có hậu quả xảy ra.

Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng cần phải xác định rõ vai trò của từng đối tượng tham gia trong việc tổ chức rải đinh như: chủ mưu, giúp sức, thực hiện...

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên