17/08/2010 08:39 GMT+7

Bài học sau cơn bể hụi

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Chơi hụi và biêu (một hình thức tương tự như hụi) với những khoản lời vô cùng hấp dẫn nhưng vô cùng phi lý thì trước sau gì cũng bị bể. Thế nhưng nhiều người vẫn không nhận ra!

2WoT6Fd4.jpgPhóng to

Bị cáo Trương Thị Mai Thanh - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đầu tháng 8, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử vụ án vỡ nợ do chơi biêu mà số lượng người bị hại lên đến 128 người, kể cả 23 bị hại là người cho vay.

Tại phiên tòa, khi nhìn thấy bị cáo vẻ mặt quê kệch, ngồi khúm núm lọt thỏm sau vành móng ngựa, có người buột miệng: “Trời! Sao một người nhìn lôi thôi, lếch thếch vậy mà có cú lừa cả hơn 100 người được”. Có lẽ câu hỏi đó cũng chính là điều mà người bị hại phải tự đặt ra cho mình.

Vết trượt dài của “nhà cái”

Bị cáo Trương Thị Mai Thanh (45 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vốn làm nghề bán tạp hóa trước cổng trường học, vì muốn cải thiện cuộc sống nên đã đứng ra cầm cái chơi biêu.

Theo cáo trạng, dù mất khả năng thanh toán từ tháng 6-2006 nhưng để che giấu, từ đó cho đến tháng 8-2008 bị cáo Thanh đã dùng thủ đoạn gian dối huy động vốn như đưa thông tin giả là đầu tư xây dựng khách sạn, khai thác vàng ở nước ngoài, buôn gỗ... và hứa trả lãi suất cao 9-10%/tháng đối với tiền vay, 8-16% đối với tiền biêu. 128 người là tiểu thương ở các chợ, hưu trí, công nhân viên chức, lao động nghèo... đã lao vào cuộc với số tiền đưa cho bị cáo trên 38,4 tỉ đồng.

HĐXX hỏi bị cáo Thanh: “Từ năm 2005-2006, bị cáo làm gì, có khoảng bao nhiêu vốn?”. Bị cáo lí nhí đáp: “Bị cáo bán bánh kẹo trước cổng trường, chỉ có khoảng 300 triệu tiền vốn”. HĐXX hỏi tiếp: “Có vài trăm triệu mà bị cáo lại liều cầm cái biêu hàng tỉ đồng là sao? Đến khi bị thua hơn 1 tỉ đồng, bị cáo có phương án trả nợ không?”.

Bị cáo trả lời: “Dạ cũng có phương án trả nợ như cầm cái cho người khác để ăn huê hồng, mở thêm nhiều hình thức như biêu tháng, biêu năm... Nhưng do học hành không đến nơi đến chốn nên tính toán không tốt”. Câu đúc kết của vị đại diện viện kiểm sát đã nói lên đầy đủ vụ án: “Người nghèo tham gia chơi biêu rất sợ vỡ nợ vì đó là cả gia tài của người ta. Bản thân bị cáo chỉ học hành lẹt đẹt, vốn chắc gì đã có vài trăm triệu mà dám đứng ra huy động vốn. Bị cáo có biết vì bị cáo mà bao nhiêu gia đình rạn nứt, nhiều gia đình nợ nần chồng chất không?”.

Hàng trăm người lao đao theo

Những ngày diễn ra phiên tòa, chúng tôi gặp nhiều bị hại làm nhiều ngành nghề khác nhau. Họ cùng có chung hi vọng sẽ nhận lại được phần nào số tiền đã đưa cho bị cáo Thanh sau phiên tòa này. Nhưng khi bị cáo trả lời không còn tài sản gì để bồi thường thì tất cả đều thất vọng, có người khóc, có người ngồi rũ rượi...

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng một phần lỗi là do chính các nạn nhân, bởi: “Tại sao nhiều người lại cả tin đưa tiền tỉ cho một người mới có trình độ lớp 4? Người bị hại chỉ cần cảnh giác một chút thôi. Nhưng có lẽ lãi suất cao đã thu hút mọi người”.

Điều vị luật sư nói hẳn có lý và rất nhiều nạn nhân bây giờ đã nhận ra điều đó. Bà N.T.G. tâm sự: thông qua một người quen giới thiệu, bà chơi biêu khi thấy tiền lãi cao ngất ngưởng. Ban đầu chỉ chơi vài trăm ngàn nhưng ngày càng dấn sâu hơn. Bà đem sổ đỏ nhà đi cầm được 175 triệu đồng rồi lấy 200 triệu tiền quỹ của nhà thờ tộc và lấy hết tiền vốn tiết kiệm làm ăn của gia đình dồn cho bà Thanh. Chưa kịp nhận được đồng tiền lãi nào, bà G. nghe tin sét đánh bà Thanh đã vỡ nợ. “Chồng tôi biết chuyện nên la rầy rồi vợ chồng lục đục. Đã thế lại còn chạy đôn chạy đáo để trả nợ ngân hàng. Đúng là không có gì dại bằng” - bà G. đúc kết.

Tương tự, ông N.M.T. kể: “Tôi biết chơi biêu là gì đâu, người chị họ mách nước cho tôi đi rút tiền tiết kiệm ngân hàng gần 200 triệu để đổ cho bà Thanh là có lời liền. Cầm số tiền tiết kiệm mà hai vợ chồng chắt chiu cả chục năm mới có được, tay tôi còn run. Chưa kịp nhận được đồng lãi nào thì công an quận mời đến để khai báo vì bà Thanh đã vỡ nợ. Vợ tôi lăn ra ngất xỉu luôn. Từ ngày tai họa ập xuống đến giờ bà ấy cứ lờ đờ như người mất hồn, vì mai đây lấy cái gì lo cho con cái, lo cho tuổi già”.

Cũng như ông T., bà G., nhiều người khác đã lao đao theo vụ vỡ nợ của bà Thanh, có người cầm cố sổ đỏ, có người vay mượn của người thân, có người giấu chồng mang tiền tiết kiệm đi chơi biêu với hi vọng nhanh chóng có được khoản tiền lời cao... Nhưng rồi đúng như một người bị hại phát biểu tại phiên tòa: “Chúng tôi là những người quá ham tiền lãi”.

Phiên tòa kết thúc với bản án chung thân dành cho bị cáo Thanh, cùng với đó là một cái kết buồn cho những người vì chơi biêu mà mất của.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên