Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập như áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án... Nhìn chung, trong các hình thức thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất “trước khi tiêm thuốc độc, cho người bị thi hành án tử hình dùng một liều thuốc an thần để họ nhẹ nhàng đi vào cõi vĩnh hằng”.
Đề xuất hỏa táng thi thể tử tù
Vấn đề còn gây quan ngại nhiều nhất là có hay không cho phép thân nhân của người bị thi hành án tử hình nhận thi thể về an táng. “Nhiều trường hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi, có địa phương tỉ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%. Thực tế đó dẫn đến khó khăn trong quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình” - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba phát biểu. Đại diện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Thu Ba mong các đại biểu “cân nhắc việc cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi”.
Tuy nhiên, chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh đề nghị không nên cho thân nhân nhận thi thể mà chỉ cho nhận tro cốt. “Cho thân nhân của họ nhận lại tro cốt phù hợp với hỏa táng là xu thế tiến bộ cần được nhân rộng, đồng thời tránh được tình trạng điếu phúng linh đình” - ông Quốc Anh nói.
Quốc hội dự kiến thông qua luật này vào ngày 17-6.
Phán quyết của trọng tài có hiệu lực thi hành ngay
Chiều qua, Quốc hội đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật trọng tài thương mại và thảo luận nội dung dự luật này. Theo điều 2 của dự luật, trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc ít nhất một bên có hoạt động thương mại, trọng tài thương mại không giải quyết các tranh chấp về dân sự.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hình thức tài phán tư do các bên lựa chọn. Vì vậy, hội đồng trọng tài không áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử, phán quyết của hội đồng trọng tài có hiệu lực pháp luật ngay, không kháng cáo, kháng nghị như giải quyết tranh chấp tại tòa án. Trong trường hợp hai bên có thỏa thuận lại, không yêu cầu trọng tài giải quyết nữa thì có quyền kiện ra tòa án.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành quy định này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận