Phóng to |
Tang vật thu giữ của các băng nhóm giang hồ Đồng Nai - Ảnh tư liệu của công an |
Trong các đối tượng bị bắt giữ hoặc đang xem xét xử lý hình sự liên quan đến các băng nhóm tội phạm ở TP Biên Hòa có không ít gương mặt có tiền án, tiền sự hoặc từng bị công an bắt giữ nhưng giải quyết không đến nơi đến chốn. Hậu quả là các đối tượng hình sự tiếp tục phạm tội, phạm tội nhiều lần với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn.
Những vụ việc có dấu hiệu không được xử lý triệt để
Ngày 30-7-2007, Lê Nguyên Luật (Luật “đại”, một đối tượng thân cận với Long Thanh), Phạm Ngọc Quang (Quang “chiếu”), Nguyễn Nhật Quang (Quang “đen”), Nguyễn Trung Hiếu (Hiếu “hơi”) đã đánh anh Sung (công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai) và một người bạn vì bị anh này chạy ôtô bắn nước ướt quần áo.
Công an TP Biên Hòa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chuyển hồ sơ đề nghị VKSND TP Biên Hòa truy tố Quang “chiếu”, Quang “đen” và Hiếu “hơi” tội cố ý gây thương tích. Ngay sau đó, VKSND TP Biên Hòa có công văn đề nghị đình chỉ điều tra vụ án vì những người bị hại bãi nại.
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết triệt để Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Phạm Quý Ngọ - tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an - cho biết: “Chiều 21-5, tổng cục đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết quả điều tra ban đầu về vụ triệt phá bốn băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Đồng Nai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phải giải quyết triệt để, không khoan nhượng đối với loại tội phạm này”. |
Tiếp theo, Cơ quan điều tra TP Biên Hòa ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định xử phạt hành chính các đối tượng. Thoát tội, Quang “chiếu”, Quang “đen” và Hiếu “hơi” ngày càng dấn sâu vào con đường phạm pháp.
Được sự bảo bọc của Long Thanh, Hưng “vườn điều”, Luật “đại”, các đối tượng này đứng ra tổ chức các hoạt động cờ bạc (đá gà, xóc đĩa), cố ý gây thương tích, đòi nợ thuê, trực tiếp tham gia các vụ đâm chém để tạo thanh thế cho Long Thanh...
Liên quan đến vụ việc này, ông Hoàng Hữu Long - viện trưởng VKSND TP Biên Hòa - cho rằng: “Vụ này khởi tố theo yêu cầu người bị hại và được truy tố theo khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, sau đó người bị hại bãi nại và đề nghị không xử lý hình sự nên VKSND TP Biên Hòa ra quyết định đình chỉ vụ án”.
Trả lời câu hỏi tại sao không xử lý Luật “đại”, ông Long nói có người thấy Luật “đại” đứng chỉ huy “đánh nó đi”, tuy nhiên bản thân Luật “đại” không đánh.
Nổi cộm trong đám “đệ tử” của Long Thanh là Nguyễn Trọng Hoàng (Hoàng “canh”). Theo hồ sơ, năm 1995 Hoàng “canh” bị Công an TP Biên Hòa bắt về hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Sau khi được Long Thanh và Hưng “vườn điều” thu nạp, Hoàng “canh” trở thành đối tượng cộm cán trong các hoạt động tổ chức đá gà, xóc đĩa, cá độ qua mạng, thầu đề, cho vay nặng lãi...
Các đối tượng trong băng nhóm Trần Xuân Cường (Cường “râu”), Hoàng Văn Linh (Linh “què”), Nguyễn Hữu Mai bị Công an Xuân Lộc bắt ngày 19-8-2008 về tội tổ chức đánh bạc nhưng cũng không bị xử lý. Sau vụ này, Cường “râu” vẫn là “thủ lĩnh” băng nhóm tổ chức cờ bạc và cùng đàn em thâu tóm các hoạt động cờ bạc ở khu vực Trảng Bom và Xuân Lộc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tại sao các đối tượng Trần Xuân Cường, Hoàng Văn Linh, Nguyễn Hữu Mai không bị xử lý hình sự trong vụ tổ chức cờ bạc, ông Lê Văn Khuê - trưởng Công an huyện Xuân Lộc - cho biết: “Các đối tượng này không có mặt tại hiện trường nên không xử lý. Trong vụ này Công an Xuân Lộc đã khởi tố mười mấy đối tượng”.
Rà soát các vụ việc cũ
Ngày 21-5, trung tướng Phạm Quý Ngọ, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) và Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C16) cử 16 cán bộ phối hợp với Công an Đồng Nai tiến hành rà soát 21 vụ án (kể cả các vụ đã xử lý và chưa điều tra làm rõ) có liên quan đến các băng nhóm tội phạm do Long Thanh, Hưng “vườn điều”, Hùng “lân” và Cường “râu” cầm đầu.
Trong khi đó thượng tá Nguyễn Thành Long, trưởng Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu Công an TP Biên Hòa khẩn trương rà soát, báo cáo các vụ việc, trong đó có cả những vụ Công an TP Biên Hòa đã bắt, điều tra và xử lý để báo cáo ban giám đốc.
Trong một diễn biến khác, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm chỉ đạo ban chuyên án thành lập tổ điều tra để làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội bộ trong việc “bảo kê” cho các hoạt động phạm tội của các băng nhóm để báo cáo, đề xuất thường vụ đảng ủy và ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai điều chuyển vị trí công tác phù hợp, không để cản trở công tác điều tra.
Nếu phát hiện bao che tội phạm sẽ xử lý nghiêm Chiều 21-5, đại tá Nguyễn Phi Hùng - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - đã trả lời PV Tuổi Trẻ một số vấn đề liên quan đến việc xử lý các băng nhóm giang hồ trên địa bàn tỉnh. * Tại sao các băng nhóm tội phạm do Long Thanh, Hưng “vườn điều”, Hùng “lân”, Cường “râu” cầm đầu hoạt động phạm tội trong thời gian khá dài mà cơ quan công an không phát hiện, xử lý kịp thời? - Nên nhớ thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm tội phạm này rất tinh vi, luôn biết cách che giấu hành vi của mình. Các đối tượng cầm đầu thường dùng thanh thế, tiền bạc khống chế đàn em để được đàn em bảo vệ đến cùng. Do đó việc bắt cùng lúc hai tên cầm đầu Long Thanh và Hưng “vườn điều” là rất khó, cần phải có thời gian củng cố chứng cứ, làm rõ hành vi của chúng. Hơn nữa, từ khi lập chuyên án đến nay lực lượng công an đã lần lượt bóc gỡ hàng loạt đường dây tổ chức đánh bạc đồng thời triệt phá, điều tra, xử lý trước pháp luật nhiều vụ đâm chém, cố ý gây thương tích liên quan đến các băng nhóm này. Do đó nếu nói để tồn tại thời gian dài, không ai làm gì hết là không phải. * Dư luận cho rằng nếu không có sự “bảo kê” từ những người trong ngành bảo vệ pháp luật thì các băng nhóm tội phạm không thể lộng hành đến như vậy... - Lúc này tôi chưa thể nói điều gì. Trước mắt ban chuyên án tập trung đấu tranh chống tội phạm. * Trong số các đối tượng bị bắt giam, bỏ trốn hoặc đang xem xét xử lý hình sự có rất nhiều gương mặt có nhiều tiền án tiền sự, từng bị công an phát hiện bắt giữ nhưng không xử lý đến nơi đến chốn, dẫn đến hậu quả các đối tượng hình sự tiếp tục phạm tội, phạm tội nhiều lần với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn... - Vụ án còn trong vòng điều tra. Quan điểm của ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai là chỉ đạo quyết liệt, làm đến nơi đến chốn để xử lý đúng người, đúng tội. Trong quá trình phá án, nếu phát hiện dấu hiệu bao che tội phạm thì phải xử lý nghiêm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận