11/05/2010 07:31 GMT+7

Chuyện "lùm xùm" ở Tiền Giang

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Công ty TNHH Nhựt Thành Tân được hỗ trợ hàng chục tỉ đồng khi đầu tư vào Khu công nghiệp Tân Hương, Công ty du lịch Tiền Giang rơi vào tay gia đình đại gia Hoàng Kiều với giá chỉ hơn 7 tỉ đồng. Vì sao? UBND tỉnh Tiền Giang nói gì về chuyện này?

2FLYDwH3.jpgPhóng to
Khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng của Công ty Du lịch Tiền Giang khi cổ phần hóa chỉ được định giá hơn 2,7 tỉ đồng - Ảnh: V.TRƯỜNG

UBND tỉnh Tiền Giang vay 150 tỉ đồng của Bộ Tài chính để ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Nhựt Thành Tân - chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương, huyện Châu Thành. HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh giải trình vấn đề này và dự kiến đưa ra xem xét tại kỳ họp sắp tới. Hiện dư luận cũng đang quan tâm việc khối tài sản của Công ty Du lịch Tiền Giang (doanh nghiệp) được cổ phần hóa với giá rẻ và giờ đây toàn bộ đã thuộc về gia đình ông Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ).

Gia đình ông Hoàng Kiều mua đứt Công ty Du lịch Tiền Giang

Công ty Du lịch Tiền Giang trước đây là doanh nghiệp nhà nước được xếp vào hàng “đại gia” vì có tới 10 khách sạn, nhà hàng, khu du lịch. Toàn bộ diện tích đất công gần 216.000m2 của các công trình này đều ở những vị trí đắc địa.

Chẳng hạn khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng nằm ở mặt tiền đường Trưng Trắc, Lãnh Binh Cẩn và Thủ Khoa Huân (TP Mỹ Tho); khách sạn Hướng Dương (nay đổi tên thành Sông Tiền) năm tầng nằm ở mặt tiền đường Trưng Trắc, Thiên Hộ Dương (TP Mỹ Tho); nhà hàng Sông Tiền trên đường Lãnh Binh Cẩn (TP Mỹ Tho); nhà hàng Trung Lương ở ngã ba Trung Lương ngay cạnh cổng chào TP Mỹ Tho; Trung tâm điều hành du lịch trên đường 30-4 (TP Mỹ Tho), khu du lịch Thới Sơn (TP Mỹ Tho) nổi tiếng trên cù lao Thới Sơn hay khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông)... từ lâu đã trở thành “điểm đến” của du khách.

Tháng 11-2004, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Trung ký quyết định xác định giá trị thực tế của Công ty Du lịch Tiền Giang là 19,06 tỉ đồng (làm tròn). Trong đó giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 6,04 tỉ đồng (làm tròn). Thời điểm này công ty kinh doanh rất hiệu quả, cụ thể doanh thu tăng 26% so với năm trước, thực lãi hơn 874 triệu đồng.

Theo hồ sơ xác định giá được UBND tỉnh phê duyệt, thời điểm 31-12-2003 giá của nhà hàng và khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng (chưa kể tầng trệt) diện tích hơn 2.300m2 chỉ có 2,73 tỉ đồng. Còn khách sạn Hướng Dương cao năm tầng được định giá có 369,5 triệu đồng. Nhà hàng Trung Lương (ngã ba Trung Lương) có giá 1,25 tỉ đồng...

Quyết định của UBND tỉnh cũng ghi rõ số lượng cổ phần nhà nước là 357.000 cổ phần (chiếm 51%), cổ phần ưu đãi bán cho người lao động chiếm 29%, số lượng 140.000 cổ phần còn lại (chiếm 20% vốn điều lệ) sẽ bán đấu giá công khai ra bên ngoài.

Ngay khi có quyết định xác định giá trị của Công ty Du lịch Tiền Giang, đã có rất nhiều ý kiến của cán bộ đương chức không đồng tình vì quá rẻ nhưng UBND tỉnh vẫn giữ nguyên. Sau đó, ngày 12-1-2005 UBND tỉnh chính thức ban hành quyết định chuyển công ty này thành Công ty CP Du lịch Tiền Giang với số vốn điều lệ... 7 tỉ đồng, tương đương 700.000 cổ phần. Ông Trần Thanh Tiến, giám đốc công ty, giải thích tài sản công ty được xác định 19 tỉ đồng, nhưng trong đó vốn vay là 12 tỉ đồng, nên vốn thực tế của công ty chỉ có 7 tỉ đồng.

Tháng 11-2008, Nhà nước vẫn còn nắm giữ 30% cổ phần tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang. Các cá nhân nắm giữ trên 5% cổ phần gồm: ông Hoàng Kiều nắm 30%, bà Đào Thị Lan Phương (người thân ông Hoàng Kiều) nắm 34%. Tuy nhiên, ngày 19-1-2009 Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quyết định bán hết số cổ phần nhà nước nắm giữ là 210.000 cổ phần với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần.

Tháng 3-2009, thông qua Công ty CP chứng khoán An Bình, toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại công ty này đã được bán cho ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) với số tiền trúng đấu giá 7,56 tỉ đồng. Theo hồ sơ tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang, đến ngày 24-3-2010 toàn bộ 100% cổ phần của Công ty CP Du lịch Tiền Giang đều đã thuộc về gia đình ông Hoàng Kiều.

Cụ thể, ông Hoàng Kiều 36%, ông Hoàng Sammy Hùng 30% và bà Lan Phương 34%. “Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục để tăng vốn điều lệ cho ông Hoàng Kiều” - giám đốc công ty Trần Thanh Tiến nói.

Vay tiền hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2005, UBND tỉnh Tiền Giang vay vốn Bộ Tài chính 150 tỉ đồng với thời hạn một năm (lãi suất 0,15%/tháng) nhằm chi giải tỏa 197,3ha đất tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành để xây dựng KCN Tân Hương. Sau khi có mặt bằng, cuối năm 2005, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định ưu đãi đầu tư vào KCN Tân Hương với nội dung: “Tỉnh ứng vốn trước thực hiện việc bồi thường, giải tỏa với số tiền 155 tỉ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh toàn bộ hạ tầng được hỗ trợ 50% vốn ứng trước này là 77,5 tỉ đồng và có nghĩa vụ thanh toán 50% còn lại trong thời hạn năm năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất”.

Đầu tháng 9-2006, Công ty TNHH Nhựt Thành Tân đã nộp đơn xin phép đầu tư hạ tầng KCN Tân Hương và được tỉnh chấp nhận. Tại buổi họp bàn giao, bà Nguyễn Thị Quí - giám đốc Công ty TNHH Nhựt Thành Tân - đã ký biên bản cam kết sẽ hoàn trả 50% (77,5 tỉ đồng) mà tỉnh ứng trước để giải tỏa mặt bằng KCN Tân Hương. Tuy nhiên, theo HĐND tỉnh Tiền Giang, việc ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Nhựt Thành Tân cho đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh thông qua HĐND theo quy định.

Theo Ban quản lý các KCN Tiền Giang, đến nay Công ty TNHH Nhựt Thành Tân chỉ mới chuyển thanh toán cho tỉnh 10,5 tỉ đồng của năm 2008, nhưng phải trả bảy lần sau khi tỉnh có nhiều văn bản đòi nợ. Trong khi đó khoản vay 150 tỉ đồng của Bộ Tài chính đã được tỉnh ứng ngân sách trả cho Kho bạc Nhà nước từ năm 2006, số tiền lãi mà tỉnh phải trả là hơn 2,7 tỉ đồng.

Dù được ưu đãi rất nhiều nhưng hiệu quả từ dự án KCN Tân Hương mang lại đến thời điểm này không đáng kể. Theo kế hoạch, năm 2009 sẽ hoàn thành dự án lấp đầy diện tích KCN và giải quyết việc làm cho 15.000-20.000 lao động. Nhưng đến đầu tháng 5-2010, chỉ mới chín dự án đi vào hoạt động, tổng số lao động tại KCN này chỉ khoảng 500 người. Diện tích đất cho thuê 16,04ha, chưa tới 12% diện tích của KCN.

aTQn6RWN.jpgPhóng to
Dù được ưu đãi nhưng Khu công nghiệp Tân Hương vẫn còn hoang vắng, diện tích cho thuê chưa tới 12% trong tổng số trên 190ha đất - Ảnh: V.Trường

Ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2005 tỉnh vay 150 tỉ đồng để bồi thường, giải tỏa xây dựng KCN Tân Hương và giao cho Công ty Phát triển hạ tầng các KCN Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Sau khi đã giải phóng mặt bằng xong, Công ty Phát triển hạ tầng các KCN tiến hành kêu gọi đầu tư hạ tầng nhưng suốt hơn một năm vẫn không có kết quả, nên tháng 8-2005 công ty đề nghị UBND tỉnh kêu gọi một nhà đầu tư khác thay thế; đồng thời cũng đề xuất cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư mới mượn không tính lãi 155 tỉ đồng mà tỉnh ứng trước trong vòng ba năm, nhưng cũng không có kết quả.

Để thúc đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng KCN Tân Hương, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu đề xuất tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư. Ngày 29-12-2005, UBND tỉnh ban hành quyết định khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó chọn một số khu - cụm công nghiệp quan trọng để ưu đãi 100% vốn ngân sách hỗ trợ bồi thường, giải tỏa. Để cụ thể hóa quyết định này, ngày 30-12-2005 UBND tỉnh ban hành quyết định ưu đãi đầu tư riêng cho KCN Tân Hương với mức hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng. Lúc này có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng lại đòi ưu đãi 100%. Sau này Công ty TNHH Nhựt Thành Tân đến tìm hiểu và chấp nhận mức hỗ trợ 50% để đầu tư hạ tầng KCN Tân Hương.

Sở dĩ vấn đề này chưa được UBND tỉnh thông qua HĐND là do lúc đó tỉnh vay vốn trung ương để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, trong đó có KCN Tân Hương. Dự kiến sau khi bán đấu giá khu đất Đồng Sen - Phương Nam rộng khoảng 11ha sẽ có tiền để hoàn trả vốn vay cho trung ương, nhưng do gặp khó khăn trong việc bán khu đất này nên chưa có nguồn hoàn trả.

Hơn nữa, khu đất Đồng Sen - Phương Nam lại vừa được UBND tỉnh quyết định xây dựng bệnh viện vùng ĐBSCL, nên tới đây UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh quyết định sử dụng ngân sách để trả khoản chi hỗ trợ cho Công ty TNHH Nhựt Thành Tân.

Liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty CP Du lịch Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Khang - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết lãnh đạo Ban đổi mới doanh nghiệp tỉnh trước đây hiện đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Thường trực UBND tỉnh hiện nay chỉ mới nhận nhiệm vụ gần đây, chưa nắm rõ chi tiết những vụ việc liên quan đến cổ phần hóa công ty này. Ngày 10-5, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - đầu tư (thường trực ban đổi mới doanh nghiệp) báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh toàn bộ hồ sơ vụ việc để có cơ sở trả lời dư luận.

Đòi đất của Sở Tài nguyên - môi trường!

Ông Phan Thanh Hiền, giám đốc Sở TN-MT Tiền Giang, cho biết mới đây ông Hoàng Kiều đã yêu cầu tỉnh giao phần đất của sở quản lý rộng hơn 1.000m2 ngay bên cạnh khách sạn Sông Tiền trên đường Trưng Trắc - Lãnh Binh Cẩn - Thủ Khoa Huân (TP Mỹ Tho) cho Công ty CP Du lịch Tiền Giang do ông này đang làm chủ.

Sở dĩ ông Hoàng Kiều đòi đất của Sở TN-MT là do vào tháng 9-2000, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Tâm đã có bút phê đồng ý giao khu đất cho Công ty Du lịch Tiền Giang để cải tạo, nâng cấp khách sạn. Lúc đó công ty này vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, việc tỉnh giao đất để đầu tư, phát triển công ty là điều bình thường. Theo ông Hiền, việc ông Hoàng Kiều yêu cầu tỉnh giao khu đất này là không hợp lý. Đúng ra phải hỏi... thuê!

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên