06/04/2010 05:22 GMT+7

Tài xế có bị áp lực bồi thường?

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

TT - Trong vụ án tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn ba lần cán người, ở góc độ xã hội vấn đề cần quan tâm đó là vì sao sau khi tai nạn giao thông xảy ra, tài xế đã giết nạn nhân? Áp lực của trách nhiệm bồi thường có phải là nguyên nhân?

f8nnIEzA.jpgPhóng to

Xung quanh bài “Độc ác”: Quá nhẹ!Độc ácTài xế cán người 3 lần lãnh 8 năm tù

Bài viết “Nghịch lý bồi thường” (Tuổi Trẻ 30-3-2010) đã nêu rõ các căn cứ pháp luật cho thấy trách nhiệm bồi thường trong trường hợp nạn nhân bị thương tật có thể cao hơn rất nhiều so với trường hợp nạn nhân chết. Đó là vì khi nạn nhân bị thương tật thì số tiền và thời gian bồi thường không có giới hạn. Hễ ngày nào nạn nhân còn bị ảnh hưởng bởi hậu quả của vụ tai nạn thì nghĩa vụ bồi thường vẫn tiếp tục.

Có ý kiến cho rằng khi xảy ra tai nạn nói chung, trách nhiệm bồi thường đã có bảo hiểm chi trả thì không có lý do gì tài xế phải cố tình làm nạn nhân chết để tránh né nghĩa vụ bồi thường. Theo tôi, lý lẽ này là chưa thỏa đáng.

Bảo hiểm không luôn chi trả toàn bộ

Theo phần II thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính, với loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, mức bồi thường tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả khi có thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 50 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Tuy nhiên, như đã nói, số tiền bồi thường khi nạn nhân bị thương tật thường rất lớn vì phải bao gồm cả chi phí điều trị, thuốc thang, thuê người chăm sóc... nên thường vượt xa mức 50 triệu đồng mà bảo hiểm chi trả.

Cũng có trường hợp bảo hiểm chi trả cao hơn mức 50 triệu đồng, tuy nhiên trên thực tế điều này ít xảy ra. Lý do là các chủ xe ít khi chọn mua các gói bảo hiểm cao cấp, mà chỉ mua gói bảo hiểm cơ bản bắt buộc.

Mặt khác, giả sử chủ xe mua bảo hiểm cao hơn thì số tiền bảo hiểm chi trả cũng hữu hạn. Ngoài ra, theo quy định thì thời hạn mà chủ xe cơ giới có quyền yêu cầu bảo hiểm chi trả là một năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trong khi đó với những nạn nhân bị tai nạn giao thông tương đối nghiêm trọng thời gian hồi phục thường phải vài năm, do đó trách nhiệm bồi thường của tài xế và chủ xe cũng phải kéo dài theo.

Chủ xe hay tài xế phải bồi thường?

Xin trả lời ngay là tài xế chỉ phải bồi thường cho nạn nhân nếu như tài xế đồng thời là chủ xe hoặc thuê khoán chiếc xe.

Theo hướng dẫn tại mục III nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, chủ sở hữu xe cơ giới là người trước tiên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra. Người thứ hai có trách nhiệm bồi thường là người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe cơ giới, cả khi người này không có lỗi.

Do đó, cần lưu ý là nếu tài xế chỉ là người được thuê lái ôtô và được trả tiền công thì không được xem là người chiếm hữu, sử dụng xe nên không có trách nhiệm phải bồi thường cho nạn nhân, kể cả trường hợp tài xế có lỗi trong việc gây ra tai nạn. Còn trách nhiệm của tài xế trong việc bồi thường lại cho chủ xe được giải quyết bởi quan hệ pháp luật về lao động, thường nhẹ hơn rất nhiều so với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự.

Cần tuyên truyền pháp luật cho tài xế

Trên thực tế có lẽ không nhiều tài xế hiểu được giới hạn trách nhiệm của mình đến đâu khi lái xe cho chủ nên dễ bị áp lực khi điều khiển xe, dẫn đến rối trí trong xử lý các tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông hoặc sau khi lỡ gây ra tai nạn. Và một số trường hợp đã dẫn đến cái chết thương tâm cho nạn nhân.

Do vậy, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần chú ý đến công tác tuyên truyền pháp luật cho tài xế ngay khi họ bắt đầu theo học các lớp lái xe. Nếu chỉ dạy cho họ lái xe và Luật giao thông thì e là chưa đủ, mà còn phải giúp họ hiểu được các quyền và nghĩa vụ cụ thể của mình trong các quan hệ pháp luật có thể nảy sinh khi họ tham gia giao thông - một lĩnh vực nhỏ mà không nhỏ - để họ có những ứng xử hợp pháp luật và đạo lý.

Lái xe loại lớn mà chạy ẩu, phóng nhanh chỗ đông người làm chết người, theo tôi có thể coi như tội cố ý giết người, vì bản thân tài xế biết đó là hành vi nguy hiểm nhưng vẫn làm, như vậy có thể thấy rất ác tâm, coi thường mạng sống người khác. Ngoài ra còn có tâm lý cho rằng nếu xảy ra tai nạn chết người thì có bảo hiểm lo, còn tài xế chỉ ở tù một vài năm.

Tôi thấy báo chí đã tốn nhiều giấy mực, cơ quan chức năng đã tốn bao công sức, tiền của để giảm tai nạn giao thông nhưng tai nạn giao thông vẫn ngày càng tăng, phải chăng vì hình phạt quá nhẹ? Theo tôi, xe càng lớn khi chạy ẩu gây tai nạn phải bị phạt càng nặng. Tại sao tòa án không thử xử hình phạt tối đa một vài người gây tai nạn giao thông thảm khốc để làm gương cho những tài xế chạy ẩu?

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên