24/01/2010 07:06 GMT+7

Vụ "chó bécgiê cắn chết người": Chủ trang trại chi 120 triệu đồng

TR.TÂN - T.THI
TR.TÂN - T.THI

TT - Hai ngày sau cái chết thương tâm của bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi) do bị chó bécgiê cắn, người dân ở buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.

Đàn chó bécgiê cắn chết một phụ nữ Thương cho phận nghèo

mkLSc2Hk.jpgPhóng to
Chị Chiến ở gần nơi xảy ra tai nạn cho biết hàng rào và biển cảnh báo chó dữ phía trong mới được dựng lên ngày 22-1, sau vụ án mạng (?) - Ảnh: TẤN THI

Trong căn nhà nằm lọt thỏm giữa buôn H’drát với bàn thờ nhỏ, những người thân sau khi tiễn đưa bà Ngắn vẫn ngồi lại động viên người con trai duy nhất thẫn thờ sau cái chết của mẹ... “Tôi đang đi làm thì nghe tin mẹ mất bởi chó cắn. Chứng kiến cảnh thi thể mẹ bị đàn chó dữ xâu xé, kéo lê mấy chục mét mà tôi không thể tin vào mắt mình” - anh Nguyễn Văn Khôi kể lại trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Lời kể của người trong cuộc

Gặp chúng tôi, chị Giang Thị Điệp vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị là người đã chứng kiến toàn bộ sự việc từ khi bà Ngắn vào vườn mót cà phê đến khi bị chó cắn chết... Chị Điệp kể lại khoảng 14g ngày 21-1, chị cùng bà Ngắn và chị Trâm vào trang trại cà phê của ông Phạm Ngọc Thành ở gần nhà để mót cà phê. Khi đang mót thì thấy chó bécgiê xuất hiện. Chị Điệp và chị Trâm sợ quá leo lên cây sầu riêng, còn bà Ngắn đang loay hoay trèo thì bị con chó chồm lên quật ngã, cắn xé.

Sau đó một lúc thì ông Sơn - người quản lý đàn chó và trang trại - đi xe máy đến. Dù bà Ngắn đã chắp tay van xin nhưng ông Sơn lạnh lùng nói: “Ai bảo vào, cho chết”. Chừng 5 phút sau, một đàn chó bécgiê khoảng 5 con xông đến tiếp tục cắn xé bà Ngắn. Sau đó ông Sơn quay lại, thấy bà Ngắn đã chết liền huýt sáo gọi đàn chó quay về và gọi điện thoại cho ai đó nói “cô ơi, chó cắn chết người rồi” xong bỏ đi.

Chị Điệp kể thêm: “Tôi đã dùng điện thoại gọi nhiều người đến ứng cứu nhưng vô vọng. Ở trên cây, tôi thấy anh Sơn đi xe máy đến. Tôi gọi “anh Sơn ơi cứu cô với, chó cắn cô” nhưng anh ta vẫn lạnh lùng như không biết. Từ khi con chó đầu tiên cắn đến khi đàn chó được anh Sơn gọi về khoảng nửa giờ, dù có gọi nhưng anh Sơn vẫn bỏ đi”.

Bà Ngắn đã bị đàn chó dữ cắn xé đến chết. Ông Phạm Văn Ngấn, anh trai người quá cố, cho biết thêm: “Thân thể bà ấy không còn nguyên vẹn nữa, chúng tôi phải nhờ bên pháp y khâu vá, phục hồi phần nào đó cơ thể của bà ấy trước khi chôn cất”.

6ST314RD.jpgPhóng to
Theo chị Điệp, cách hàng rào không xa là hiện trường vụ chết người thương tâm - Ảnh: Trung Tân

Các bên nói gì?

Theo nhiều người dân, trước đây đàn chó nhà ông Thành từng gây ra những sự việc tương tự. Gần đây nhất là vụ cắn một bà cụ 67 tuổi ở địa phương phải khâu nhiều mũi. Cách đây không lâu, một người dân đi lạc vào rẫy này và đang hỏi đường ra thì bị những bảo vệ trong trang trại đánh. Ông Y Sê Hmok, công an viên buôn H’drát, xác nhận những vụ việc trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Thành, chủ trang trại nơi xảy ra vụ việc, cho biết: “Sự việc diễn ra ngoài ý muốn. Chúng tôi đã cảnh cáo nhiều lần nhưng họ không nghe, vườn người ta đang tưới nước mà lại xông vô. Chó là con vật nên nó cắn cho là phải. Việc báo chí viết là cố tình thả chó không đúng cho lắm vì chúng tôi đã có hàng rào bao bọc, có biển cảnh báo chó dữ chứ đâu phải là không có. Bước đầu chúng tôi đã chịu trách nhiệm lo tiền phúng viếng, ma chay cho gia đình...”.

Khi được hỏi có biết việc ông Sơn thả chó để hù dọa không thì ông Thành nói: “Chuyện Sơn có thả chó hay không, hoặc như thế nào đó đã có công an chứ tôi không hay biết”.

Theo lời chị Chiến, người ở đối diện trang trại ông Thành, hôm xảy ra sự việc cửa mở toang, thấy cà phê sót nhiều nên người dân trong vùng vào đó mót cà phê. Bảng cảnh báo chó dữ mới được dựng lên hôm qua (22-1), còn cái cột làm cửa này cũng mới được dựng lên cho chắc chắn”.

Ông Nguyễn Hữu Quang, chủ tịch UBND xã Ea Kao, cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt để hỗ trợ gia đình nạn nhân và cử lực lượng bảo vệ hiện trường. Còn giải quyết ở những giai đoạn sau phải nhờ đến công an. Theo tôi biết, anh Thành đã đưa cho gia đình nạn nhân 120 triệu đồng để làm ma chay, phúng viếng... Còn những chuyện sau để pháp luật lo”.

Đại tá Nguyễn Công Chức, trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết: “Đã tổ chức đến hiện trường để nắm thông tin và điều tra ban đầu nhưng chưa có báo cáo cụ thể”.

Từ những thông tin ban đầu trên báo, theo tôi, cần phải làm rõ trách nhiệm của người trực tiếp quản lý đàn chó.

Lời khai của những người cùng đi mót cà phê với nạn nhân cho biết khi đàn chó xông tới tấn công nạn nhân, người quản lý này đã có mặt nhưng không ra lệnh đàn chó ngưng lại mà bỏ mặc cho đàn chó cắn nạn nhân, một lúc sau mới ra lệnh cho đàn chó ngưng lại thì hậu quả là cái chết của nạn nhân đã xảy ra.

Theo tôi, trong trường hợp này người quản lý của trang trại là người nhà, có thể ra hiệu, chỉ huy được đàn chó của trang trại nhưng lại cố tình không ra lệnh cho đàn chó ngừng tấn công nạn nhân, mà bỏ mặc nạn nhân bị cắn xé. Người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 102 Bộ luật hình sự.

Theo điều luật này, hình phạt người cố tình không cứu giúp nạn nhân có thể bị xử phạt tù cao nhất đến 5 năm.

Về trách nhiệm dân sự, người chủ trang trại cà phê, chủ đàn chó cũng phải có trách nhiệm do vật nuôi của mình gây ra. Nếu người chủ trang trại không chứng kiến vụ việc thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng theo quy định của Bộ luật dân sự, người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân: chi phí tang ma, tiền cấp dưỡng theo quy định...

=====================================================================

* Khi dư luận lên án thì chủ nhân mới bồi thường 120 triệu đồng cho người bị nạn. Điều này mới an ủi cho gia đình nạn nhân về mặt vật chất, nhưng tình cảm thì không có một giá trị nào có thể bù đắp.

* Hãy giữ vững truyền thống yêu thương con người của dân tộc ta. Và dừng bao giờ làm ngơ trước đồng loại của mình.

* Trong khi cả nước đang có nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng (vì người nghèo), vậy mà lại có người hành xử thiếu tình người như vậy.

Ngay hiện nay có những người vượt bao ngàn cây số để cứu người tại Hati; cố gắng đào xới, lật từng mảng bê tông hàng tấn để cứu một con người, trong khi ở đây chỉ cần tu miệng huýt để cứu 1 mạng người nhưng người quản lý ấy không làm.

Pháp luật cần làm rõ con người này để không có người thứ hai xuất hiện tại Việt Nam chúng ta.

* Người quản lý Nguyễn Đình Sơn còn trẻ, 36 tuổi mà đã "máu lạnh" thản nhiên để chó cắn chết người. Thiết nghĩ cơ quan pháp luật cần nghiêm khắc với vụ việc này.

* Tôi và bạn bè đang theo dõi diễn biến của vụ việc này. Nếu 100 - 200 triệu đồng có thể dùng để trả cho một mạng người thì sẽ là một tiền lệ nguy hiểm thật sự cho xã hội.

* Không gì có thể so sánh được với tính mạng con người. Không lời biện hộ nào được chấp nhận trong việc thấy người ta có nguy cơ bị giết nhưng lại bỏ mặc.

* Mặc dù trong chuyện này, bà Ngắn có lỗi đi nữa nhưng hành động của ông Sơn dửng dưng với tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc"của bà thì chắc chắn ông Sơn phải bị lên án.

Đây không phải là cách cư xử truyền thống của dân tộc ta: "Thương người như thể thương thân".

* Theo tôi, tính mạng con người là quan trọng nhất, thấy người bị thú dữ tấn công đe dọa tính mạng có thể cứu mà làm lơ không khác gì hành động mất nhân tính.

Rất mong pháp luật có biện pháp xử lý nghiêm minh và nêu có bài học giáo dục về cách cư xử của con người với nhau.

* Vì vườn cà phê của mình mà bất chấp sự chết chóc của người khác, hình ảnh này khiến tôi nghĩ đến những gã quản nô trong phim "Nô tỳ Isaura", họ không xem đồng loại của mình là con người.

* Chỉ vì mấy hạt cà phê mà sao người ta lại có thể nhẫn tâm với nhau như vậy và để lại nỗi đau không thể nào lành đối với những người thân của cô Ngắn, nhất là người con mất mẹ.

* Lẽ nào vì thực dụng mà con người trở nên lạnh lùng và vô tình đến mức tính nhân loại, tình người không còn nữa? Thử hỏi nếu như trên đời này tình người mất đi, cuộc sống này giá trị chỉ đo dếm bằng đồng tiền và quyền lực thì cuộc sống này sẽ ra sao?

Nước mắt tôi cứ chảy ra vì thương xót cho những con người nghèo, bất hạnh khi họ chưa có một cuộc sống tốt đẹp hơn để rồi phải gánh chịu tất cả những khổ nhọc nhất trong cuộc sống.

* Tôi điếng người khi nghĩ đến những giây phút cuối cùng của dì Ngắn. Hết sức đau đớn và kinh hãi, trong khi có một người hết sức nhẫn tâm, lạnh lùng, vô cảm...

Hồi nhỏ, đọc truyện ngắn Nhà mẹ Lê của Thạch Lam, tôi đã không cầm được nước mắt. Cứ nghĩ những chuyện "chó nhà giàu cắn chết người nghèo" chỉ có ở gần trăm năm trước, thế mà bây giờ câu chuyện như thế này sao vẫn còn trong cuộc sống hôm nay...

Dù trong trường hợp nào, mức án cao nhất như luật sư Tám nói có lẽ cũng không làm chúng ta nhẹ nhõm. Chúng ta sẽ ray rứt hỏi: tình người ở đâu?

* Không thể tưởng tượng được cảnh người ta để cả bầy chó cắn chết người trước mặt mình mà không có 1 phản ứng nào.

Theo suy nghĩ của riêng tôi, có lẽ sự việc chó cắn người diễn ra không ít lần nên người quản lý cho là bình thường.

* Không thể chấp nhận một sự việc như thế trong xã hội của con người. Đây thực sự không chỉ là chứng kiến đống loại bi "xé xác" theo đúng nghĩa đen của từ ấy mà phải hiểu là dùng chó để xé xác người. Phải chăng chúng ta cứ giữ "sự im lặng của bầy cừu"?!

* Một hành vi tàn ác không khác hành xử của loài cầm thú với nhau. Đề nghị luật pháp phải xử nghiêm.

* Thật quá bất công cho gia đình nạn nhân, tôi rất mong các cơ quan chức năng xử thật nghiêm những người có liên quan,đặc biệt là người trực tiếp trông giữ đàn chó và chủ của đàn chó đó. Cũng không nhắc đến ở đây trách nhiệm của chính quyền địa phương đã phớt lờ khi sự việc tương tự đã xảy ra trước đó.

* Hành động của người quản lý Sơn là hết sức vô nhân đạo khi nạn nhân quỳ lạy van xin mà vẫn dửng dưng hành động cho thoả mãn lòng hung ác của mình.

Theo tôi, đó còn là sự coi thường pháp luật, ngang nhiên tiếp tục hàng hạ nạn nhân trước mắt của những người đang van xin cho nạn nhân. Xin pháp luật hãy trừng trị thật thích đáng loại người mất nhân tính như thế để xã hội ta hôm nay không còn những kẻ cư xử với nhau thiếu tình người như thế.

* Tôi là một bạn bạn đọc ở xa quê hương và thường lên mạng để xem tin tức quê nhà. Thật đau đớn khi người quản lý chó tên Sơn kia không có tình người.

Cho dù có bồi thường tiền đi nữa cũng cần khởi tố về mặt hình sự. Một số đồng nghiệp nước ngoài của tôi biết chuyện này, họ thật sốc và hy vọng pháp luật Việt Nam sẽ xử nghiêm vụ này. Ở Mỹ, người quản lý chó và người chủ thuê người quản lý chó cắn chết người đều bị khởi tố hình sự.

Chúc Tuổi Trẻ luôn là người bạn tinh thần tinh thần của người Việt ở mọi nơi trên thế giới.

* Bà Phạm Thị Ngắn chỉ vì nghèo đi mót cà phê mà bị người quản lý xua chó béc-giê cắn chết đã làm ray rức lương tâm chúng ta. Chủ trang trại chi 120 triệu đồng, nếu theo đúng lời khai của nhân chứng là chị Giang Thị Điệp và lời nói của ông Phạm Ngọc Thành thì càng làm tôi bức xúc hơn vì phải suy nghĩ đến thái độ vô cảm của kẻ lắm tiền.

Riêng về câu nói của ông Phạm Ngọc Thành: "Chó là con vật nên nó cắn cho là phải", người chủ còn như thế làm sao trách được con chó.

* Theo tôi phải xử lý mạnh tay đối với ông Sơn (người quản lý chó) mất tính người này và tính vô trách nhiệm của chủ trang trạị.

* Tôi đồng ý với ý kiến của luật sư Tám là người quản lý đàn chó đã "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" mà việc này đã cụ thể bằng luật hẳn hoi.

Có thể người quản lý không biết luật nhưng chẳng lẽ anh ta không có được một thứ tình thương nhân loại mà bất kỳ người nào được sống trong một xã hội đều tự nhận thức và phát triển được ý thức này.

* Tôi nghĩ lời kể của nhân chứng còn nhiều vấn đề phải chứng minh lại. Nếu trong lời kể có sự bóp méo thì tôi cho rặng tội nặng nhất lại thuộc về chính họ.

Chúng ta đang đi nghe lại lời kể của những người đi "mót" cafe, là những người có hành vi làm ăn không đứng đắn. Báo chí bênh vực cho sự công bằng, tôi nghĩ đó là điều nên làm nhưng đã qua rồi cái thời phiến diện, nhìn sự việc một chiều.

* Hằng năm việc ăn trộm cà phê gây thiệt hại cho những khu vực trồng cà phê như Đắc Lắc rất lớn. Bà con sợ bị trộm nên thường thu hoạch ngay khi cà phê mới lác đác chín, dẫn đến cà phê Đắc Lắc và Việt nam nói chung có chất lượng không đồng đều, giá thường thấp hơn cà phê cùng loại nước khác khỏang 100USD/tấn

Theo tôi biết, việc đi mót và ăn trộm cà phê không có ranh giới rõ ràng. Ngoài ra dân đi mót không chỉ lượm cà phê trên đất mà còn tuốt cả trên cây, nhiều khi bẻ luôn cả cành cho nhanh, đỡ bị kiến cắn, gây thiệt hại cho vườn cà phê. Do vậy các chủ vườn cà phê đều tìm cách chống trộm bằng nhiều cách khác nhau: thuê người khác trong mùa thu họach, nuôi chó... Việc phòng ngừa trộm cắp là chính đáng của người trồng cà phê.

Tuy nhiên việc để chó cắn chết người mà không cứu là chuyện không thể chấp nhận được, dù cho người đó có là kẻ trộm đi nữa.

* Tôi còn nhớ trong bài hát của Trịnh Công Sơn có câu "Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng...". Người Việt Nam ta thường có truyền thống lá lành đùm lá rách, nương tựa nhau để sống, vậy mà người quản lý đàn chó này đã hành xử thật thiếu nhân tâm, nếu không muốn nói là người này không có tâm của một con người.

* Người quản lý đàn chó có phải là con người hay không vậy? Mong pháp luật có một bản án thật nặng để không có người thứ hai! Thành thật chia buồn cùng gia đình bác Ngắn!

* Thật bàng hoàng với vụ chó cắn nát bà Phạm Thị Ngắn ở Đắc Lắc. Theo tôi, qua thông tin cho thấy những người của trang trại đã mất hết tính người, nhất là ông chủ trang trại tên Phạm Ngọc Thành khi ông nói "chuyện Sơn có thả chó hay không, hoặc như thế nào đã có công an chứ tôi không hay biết" nó bao gồm nhiều ẩn ý xấu xa!

Qua lời kể của các nhân chứng thì sự cố ý xua chó ra cắn bà Ngắn là rõ mười mươi - chỉ khi thấy bà Nắn chết thực sự mới chu mõ huýt sáo gọi chó về.

Mong pháp luật nghiêm minh với kẻ mất hết tính người, xin đừng để "đã có công an".

* Thật không thể tưởng tượng được hành vi vô lương tâm của người quản lý đàn chó. Mong các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc và xử người đúng tội theo quy định của pháp luật để xem đó là một lời răn đe đối với những kẻ vô tâm.

Theo tôi còn cần phải có biện pháp xử lí với đàn chó dữ này. Tại sao chó dữ mà không bịt mõm nó lại nếu chỉ với mục đích trông coi mà phải để nó cắn người? Thật không thể chấp nhận với cả người chủ và đàn chó hung dữ này.

Người với người sống để yêu nhau sao mà lại có những hành động vô tâm như vậy?

------------------

Bạn có ý kiến gì về vụ việc này? Hãy gửi về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

TR.TÂN - T.THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên