29/12/2009 03:04 GMT+7

Viết tiếp về "giấy tờ tùy thân"

Phan Đình Thụy (phandinhthuy@,,,)
Phan Đình Thụy (phandinhthuy@,,,)

TT - Tuổi Trẻ ngày 1-12-2009 có bài “Giấy nào là giấy tờ tùy thân?”, viết về việc hiện nay mỗi lĩnh vực lại có cách quy định khác nhau về giấy tờ tùy thân. Xin giới thiệu tiếp theo đây hai bài viết của bạn đọc Phan Đình Thụy (từ Nhật) và luật sư Huỳnh Văn Nông.

Chỉ hai loại thẻ

Tôi hiện đang du học tại Nhật. Lần đầu tiên đi làm hồ sơ, tôi được nhân viên nhà nước nói rõ: “Thẻ này (thẻ ngoại kiều) lúc nào anh cũng phải mang bên mình để sử dụng khi cần làm thủ tục gì đó. Anh cũng có thể dùng bằng lái xe. Ngoài hai loại giấy đó ra không gì có thể thay thế được, kể cả hộ chiếu”.

Vậy là cho dù bất cứ ở đâu, muốn hoàn thành thủ tục gì tôi chỉ cần trình một trong hai loại giấy: thẻ ngoại kiều hoặc bằng lái xe. Rất nhanh và gọn.

Cần “thượng tôn“ chứng minh nhân dân

Ở các nước phát triển, giấy tờ tùy thân (identity card) thường có phạm vi không quá rộng mà chỉ bao gồm một số loại giấy đặc trưng như sau: thẻ công dân (citizenship card), bằng lái xe, thẻ cư trú (resident card), thẻ ngoại kiều (alien registration card) và hộ chiếu.

Trong các loại giấy tờ tùy thân trên, thẻ công dân có tính chất tương tự chứng minh nhân dân (CMND) ở nước ta, mỗi công dân có thẻ và mã số công dân riêng. Nhà nước quản lý người dân theo mã số này. Hệ thống dữ liệu có khả năng truy xuất mọi thông tin về nhân thân của công dân qua mã số, phục vụ nhanh chóng và hiệu quả cho công tác quản lý.

Ngoài ra, thẻ công dân còn được sử dụng rất nhiều trong đời sống hằng ngày, ví dụ như thẻ công dân của Canada còn được dùng khi bầu cử, xin cấp hộ chiếu, xin cấp bảo hiểm xã hội... Thẻ công dân gắn liền với cuộc đời của một con người, vì thế cực kỳ quan trọng.

Ở nước ta, CMND cũng có vai trò tương tự như thẻ công dân, tuy nhiên việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên tầm quan trọng của CMND chưa cao bằng và cũng chưa thật sự tiện lợi bằng. Bên cạnh đó, do các cơ quan nhà nước của ta hiện nay quy định phạm vi các loại giấy tờ tùy thân có thể thay thế CMND là khá rộng, đôi khi lại yêu cầu thêm giấy tờ khác ngoài CMND (ví dụ như hộ khẩu), nên đã khiến vai trò “thượng tôn” của CMND bị suy giảm, người dân không quá coi trọng CMND vì cho rằng dùng giấy tờ khác thay thế cũng được.

Ngoài ra, số CMND được cấp theo nơi cư trú nên khi một người chuyển đi nơi khác (ngoài phạm vi tỉnh, TP thuộc trung ương) thì số CMND cũng thay đổi. Việc này dẫn đến hệ quả rất phiền phức, bởi người dân phải đi đính chính lại các giấy tờ, giao dịch khác có ghi số CMND cũ, và việc quản lý của cơ quan nhà nước cũng không được thuận lợi.

Từ đó, theo tôi, rất khó cho cơ quan quản lý trong việc có thể cung cấp một cách chính xác, xuyên suốt lý lịch của một công dân kể từ khi người đó được cấp CMND, nếu như người đó đã qua nhiều nơi cư trú tại các tỉnh thành khác nhau, nếu xác minh được cũng rất khó khăn.

Theo tôi, để khắc phục tình trạng “loạn” giấy tờ tùy thân, các cơ quan có thẩm quyền nên thu hẹp phạm vi và có sự đồng bộ hóa các loại giấy tờ tùy thân trên các lĩnh vực quản lý hành chính.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật để có thể hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, gồm các thông tin quan trọng về nhân thân của công dân như các biến động về hộ tịch, cập nhật lý lịch tư pháp... để giúp công tác quản lý, xác minh lý lịch... được nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn.

Phan Đình Thụy (phandinhthuy@,,,)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên