01/12/2009 02:04 GMT+7

Giấy nào là "giấy tờ tùy thân"?

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

TT - Câu hỏi có thể bị cho là “ngớ ngẩn”, nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Bởi hiện nay mỗi lĩnh vực lại quy định các loại giấy tờ tùy thân khác nhau.

kYE1LiGF.jpgPhóng to
Khi làm thủ tục chuyến bay nội địa, hành khách có thể sử dụng nhiều loại giấy tờ tùy thân (ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Giấy tờ tùy thân được hiểu là những giấy tờ có thể giúp xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ đã khẳng định giấy chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân. Ngoài ra, theo nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất nhập cảnh, hộ chiếu quốc gia có thể được sử dụng thay thế giấy CMND.

Ngoài hai loại giấy tờ này, trong các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương ban hành hiện nay hầu như không có loại giấy tờ nào khác được trực tiếp khẳng định là giấy tờ tùy thân.

Giấy tờ tùy thân: tùy... lĩnh vực

Tuy vậy, khi xem xét các văn bản, ta dễ dàng thấy có nhiều loại giấy tờ khác được chấp nhận thay cho giấy tờ tùy thân, còn đó là giấy tờ nào, thì... tùy! Ví dụ, trong việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, thông tư 26/2007/TT-BCA của Bộ Công an có quy định người không có giấy tờ tùy thân là người không mang theo CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng hay các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.

Trường hợp không mang theo các giấy tờ đó nhưng có những giấy tờ khác có dán ảnh kèm theo như giấy phép lái xe, thẻ sinh viên, thẻ hội viên... thì cũng có thể coi đó là có giấy tờ tùy thân.

Còn trong lĩnh vực hàng không, hành khách quốc tịch VN khi bay nội địa có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: hộ chiếu, giấy CMND, giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang, thẻ đại biểu Quốc hội, thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái ôtô, môtô, thẻ kiểm soát an ninh hàng không, thẻ nhận dạng của các hãng hàng không VN, giấy chứng nhận nhân thân có xác nhận của công an phường xã nơi cư trú (điều 29 chương trình an ninh hàng không dân dụng VN ban hành kèm quyết định 06/2007/QĐ-BGTVT).

Ngoài ra, trước đây giấy cớ mất CMND cũng được chấp nhận khi hành khách làm thủ tục bay nội địa. Tuy nhiên, loại giấy này hiện nay không còn được chấp nhận.

Trong lĩnh vực y tế, người có bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh có thể xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ, song giấy tờ nào được chấp nhận thì không có hướng dẫn cụ thể (điểm a, tiết 2, mục I, phần A thông tư 17/1998/TT-BYT).

Còn trong lĩnh vực công chứng, theo quy định tại điều 35 Luật công chứng, người yêu cầu công chứng phải có bản sao giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật công chứng không thấy đề cập đó là những giấy tờ nào.

Cần quy định rõ

Nói đến giấy tờ tùy thân trong công chứng, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự việc xảy ra tại văn phòng công chứng Gia Định (bài “Người chết... ký giấy bán đất” - Tuổi Trẻ ngày 7-10). Theo đó, công chứng viên đã công chứng bản hợp đồng chuyển nhượng đất cho một người chủ giả mạo trong khi người chủ đất thật sự đã chết, vì công chứng viên đã chấp nhận giấy cớ mất CMND do người chủ giả mạo trình ra.

Việc không quy định rõ giấy tờ tùy thân sẽ gây khó cho cả người dân lẫn cơ quan hành chính. Bởi lẽ, trong trường hợp người dân không có CMND hợp lệ (như bị mất, hết hạn sử dụng...), cán bộ thực hiện thủ tục dễ bị lúng túng trong việc chấp nhận hay không chấp nhận các giấy tờ khác.

Vì những lẽ đó, theo tôi, pháp luật nên có quy định rõ ràng, cụ thể về các loại giấy tờ tùy thân được chấp nhận trong từng lĩnh vực. Hiện nay, tại một số tỉnh thành như Long An đã có văn bản thống nhất các giấy tờ nào được xem là giấy tờ tùy thân khi người dân yêu cầu công chứng (khoản 3, điều 5 quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 27-5-2009 của UBND tỉnh Long An).

Không phải cứ giấy có dán ảnh là “giấy tờ tùy thân”

Một số văn bản về thủ tục hành chính hiện nay thường quy định giấy tờ tùy thân là giấy CMND, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác. Nhưng giấy “khác” đó là những giấy nào thì nhiều lĩnh vực vẫn còn bỏ ngỏ. Thông thường, các loại giấy tờ có dán ảnh hợp lệ và có đóng dấu giáp lai lên ảnh có thể được chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng có những loại giấy tờ có đủ các tiêu chuẩn như trên nhưng không được sử dụng như giấy tờ tùy thân, đó là giấy chứng minh thẩm phán, giấy chứng minh hội thẩm, giấy chứng minh kiểm sát viên... (theo điều 8 nghị quyết 221/2003/NQ-UBTVQH11 và điều 9 của nghị quyết 219/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên