Một văn bản vi phạm Luật bình đẳng giới
TT - Đầu năm học mới, tôi gặp lại cô học trò năm trước, quê ở một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, giờ về thủ đô để tham dự khóa đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung. Hỏi chuyện mới biết em đang nuôi con nhỏ 2 tuổi.
Tôi nói với em: “Vừa học vừa nuôi con nhỏ vất vả lắm đấy, nhưng từ ngày có Luật bình đẳng giới, những người như em được Chính phủ hỗ trợ khi mang con theo học”. Nhưng tôi thật bất ngờ khi nghe em nói: “Thầy ơi, nhà trường không cho mang theo con nhỏ đi học. Trong giấy báo nhập học quy định rõ như thế” (ảnh).
Trong Luật bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, tại điểm 4 điều 14 (bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo) có quy định: “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.
Văn bản luật rõ ràng như thế, nhưng chẳng hiểu vì sao cơ sở đào tạo nọ lại cấm học viên không được mang theo con đi học.
Tính đến tháng 9-2009, Luật bình đẳng giới có hiệu lực hơn hai năm. Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định quan điểm “thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam
trong thời kỳ mới”. Trong phần nhiệm vụ và giải pháp, nghị quyết 11-NQ/TƯ cũng chỉ rõ “các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.
Đưa nội dung giáo dục về giới, Luật bình đẳng giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các trường chính trị và các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh với cán bộ phụ nữ cần “có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ”.
Tiếc rằng một cơ sở đào tạo cán bộ lãnh đạo hàng đầu ở trung ương lại chưa quán triệt và thực hiện đúng Luật bình đẳng giới cùng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về luật này.
Chỉ thấy thương cô học trò có nhiều điểm thuộc diện ưu tiên: có con nhỏ mới 2 tuổi, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ vùng cao nhưng lại không được hưởng quyền lợi mà cô có quyền được hưởng.
Trong nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10-6-2009 của Chính phủ về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, tại mục b điểm 2 điều 9 có quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ”. Ngoài ra, cơ quan vi phạm còn phải thực hiện các điểm sau của mục 3 điều 5 trong nghị định: a) Buộc xin lỗi, cải chính công khai. b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại do hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới gây ra. e) Yêu cầu tổ chức, cá nhân đã ban hành các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới sửa đổi, hủy bỏ các văn bản đó hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các văn bản đó. |
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH(chủ nhiệm bộ môn giới và gia đình Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận