06/09/2009 09:27 GMT+7

Đình chỉ chức vụ 2 lãnh đạo Xí nghiệp chiếu sáng 2

Q.KHẢI
Q.KHẢI

TTO - Ngày 6-9, ông Trần Trọng Huệ, giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM xác nhận, Đảng bộ và ban giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP đã thống nhất đình chỉ chức vụ đối với ông Vũ Đình Dũng (giám đốc) và Trương Anh Kiệt (phó giám đốc) thuộc Xí nghiệp chiếu sáng 2.

mV8Q2VZk.jpgPhóng to
Từ vụ để rò điện ở những trụ đèn chiếu sáng được đấu nối sơ sài như thế này, 2 lãnh đạo của Xí nghiệp chiếu sáng 2 đã bị đình chỉ chức vụ - Ảnh: TTO
TTO - Ngày 6-9, ông Trần Trọng Huệ, giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM xác nhận, Đảng bộ và ban giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP đã thống nhất đình chỉ chức vụ đối với ông Vũ Đình Dũng (giám đốc) và Trương Anh Kiệt (phó giám đốc) thuộc Xí nghiệp chiếu sáng 2.

Việc đình chỉ trên nhằm làm rõ trách nhiệm trong công tác thực hiện duy tu bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng… để xảy ra liên tiếp các sự cố rò điện, trong đó có sự cố dẫn đến chết người.

Ngoài ra, Công ty chiếu sáng công cộng điều động ông Nguyễn Vĩnh Tân, trưởng phòng kỹ thuật, ông Mai Tấn Cương, chuyên viên kỹ thuật được điều động làm giám đốc và phó giám đốc kỹ thuật Xí nghiệp chiếu sáng 2. Cũng theo ông Huệ, những cán bộ được điều động về Xí nghiệp chiếu sáng 2 tiếp tục xem xét các cá nhân có trách nhiệm liên quan trực tiếp đến công tác duy tu bảo dưỡng các trụ đèn xảy ra rò điện.

Trước đó (từ 31-8 đến 3-9), tại TP.HCM đã xảy ra hai vụ rò điện từ trụ đèn chiếu sáng trong đó có một vụ gây chết người tại góc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu.

Sẽ lại không có ai bị xử lý?

ODbczben.jpgPhóng to
Nhân viên Điện lực Chợ Lớn kiểm tra rò điện từ trụ đèn chiếu sáng góc đường Trần Hưng Đạo - Nhiêu Tâm tối 3-9 - Ảnh: Q.Khải

Cái chết của em Duy thật ra không phải là chuyện cá biệt. Cuối năm 2008 ở Hà Nội cũng xảy ra một vụ tương tự làm chết một sinh viên. Cách đây không lâu, một cô gái trẻ cũng bị điện giật chết lúc trời mưa ở quận Tân Phú (TP.HCM).

Với hậu quả là chết người, có thể thấy các sự việc như trên đều có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Vì tính mạng con người là đối tượng được pháp luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, để xác định ai, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước những cái chết đau lòng như vậy có thể nói là… “bó tay”! Vì hầu hết và chung quy lại, rồi sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả.

Ông này sẽ chỉ ra lỗi của ông kia, rồi ông kia chỉ qua ông nọ… mà nói nôm na lại là lỗi chung của nhiều người, của cả một đơn vị nên không thể có chuyện một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Rồi cuối cùng là do lỗi của… ông trời ! Do ông trời đã làm mưa, là một dạng thiên tai, bất khả kháng, nên… (!?)

Thật ra trong Bộ luật hình sự từ lâu đã có nhiều điều luật, quy định về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn, trật tự công cộng như : tội cản trở giao thông đường bộ, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn… nhưng không có tội danh nào đề cập đến chuyện nếu tài sản của một ai đó (chẳng hạn như trong sự việc này là cái cột điện của công ty điện lực) vì hư hỏng, phóng điện làm chết người thì sẽ có “ai đó” phải bị xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều này là hết sức vô lý khi so sánh với việc một người chỉ cần có hành vi “đua xe trái phép”, “cản trở giao thông đường sắt”… - dù không làm chết ai vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Hiện nay, có thể thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… khi mà trên trời thì dây diện chằng chéo như những mạng nhện, rất thiếu an toàn, phía dưới thì “lô cốt” mọc khắp nơi, chỉ một cơn mưa nhỏ đã có thể gây ngập trầm trọng, trong khi lượng người tham gia giao thông rất đông, thì có thể thấy chúng ta đang bị vô số cái bẫy nguy hiểm rình rập và tính mạng của mọi người hầu như có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Liên quan đến những cái chết vô lý như vậy, khi mà chỉ trong hai tháng 6 và 7-2008, đã có tới 8 trẻ em bị chết do lọt vào các "bẫy" công trường tại TP.HCM đã làm dấy lên dư luận phẫn nộ đối với việc thi công coi thường mạng sống người dân của đơn vị thi công đào đường. Trên báo điện tử VNExpress ngày 17-7-2009, trong bài viết “Thi công "lô cốt'' gây chết người, nhà thầu sẽ bị khởi tố”, đã dẫn lại ý kiến của ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, rằng từ nay "UBND các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra việc thi công cẩu thả gây chết người, còn nhà thầu phải bị khởi tố hình sự".

Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật thì đó là thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) - và phải theo đúng trình tự, quy định tại luật pháp hình sự. Và thực tế là đến nay chưa từng có nhà thầu nào bị khởi tố vì lý do trên.

Theo tôi, việc chết người trước mắt ai cũng biết là do lỗi của con người, mà lại không có ai chịu trách nhiệm hoặc không thể truy cứu trách nhiệm của ai là điều hết sức vô lý và không thể chấp nhận được.

Tôi cho rằng đây là một kẽ hở hay chính xác hơn là sự khiếm khuyết của pháp luật hình sự hiện nay. Chúng ta cần phải sớm bổ sung những điều luật, theo đó phải áp sát với thực tế từ những vụ việc như trên, đưa ra những căn cứ cụ thể, rõ ràng để có thể truy cứu cho được trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân do cẩu thả, tắc trách gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra những cái chết oan ức như của em Duy.

Chẳng hạn như trường hợp này, phải xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân viên kiểm tra an toàn thiết bị điện hoặc thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm… Có như vậy chúng ta mới có thể ngăn chặn và giảm thiểu những cái chết không đáng có như trường hợp em Cồ Quốc Duy.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?

Gần đây, có rất nhiều vụ tai nạn gây chết người, thiệt hại sức khỏe với nhiều nguyên nhân như lọt hố ga, vấp ổ gà, cây đổ gãy, điện rò rỉ từ cột đèn, dây điện… mà không được xem xét thỏa đáng vấn đề bồi thường thiệt hại. Phần lớn các trường hợp trên, đơn vị có trách nhiệm thường cho rằng do nguyên nhân bất khả kháng nên không phải bồi thường.

7HWT8Wmc.jpgPhóng to
Nguy cơ rò điện từ những trụ đèn chiếu sáng được đấu nối sơ sài như thế này là rất cao - Ảnh: Q.Khải

Điều này xuất phát từ quy định tại điều 627 của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".

Và điều 626 của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng". Vậy chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân bất khả kháng thì mới xác định được trách nhiệm bồi thường.

Theo khoản 1 điều 161 Bộ luật dân sự thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Với quy định này thì chúng ta có thể hiểu sự kiện bất khả kháng là những hiện tượng thiên nhiên mà con người không thể lường trước và khắc phục được như: mưa, bão, lũ lụt, sấm sét, hạn hán...

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng để rũ bỏ trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà phải xác định nguyên nhân chính gây ra tai nạn, thiệt hại đó. Nếu nguyên nhân chính là do các sự kiện bất khả kháng gây ra sự hư hỏng các thiết bị làm dẫn đến các tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì người bị thiệt hại phải tự chịu lấy trách nhiệm.

Chẳng hạn sét đánh vào trụ điện gây nên 1 vụ nổ và những người xung quanh đó bị thiệt hại thì phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng nếu trước đó, các đơn vị có trách nhiệm quản lý đã không thực hiện đúng trách nhiệm, các thiết bị trước đó đã bị hư hỏng nhẹ, có hiện tượng rò rỉ hay các công trình chưa được áp dụng các biện pháp bảo vệ đúng mức, cây cối không được cắt tỉa chăm sóc đúng thời hạn… và các sự kiện bất khả kháng chỉ là yếu tố tác động vào gây bộc lộ những hư hỏng, khuyết điểm trước đó của thiết bị làm thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người khác thì đơn vị có trách nhiệm quản lý thiết bị đó phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Chẳng hạn trụ đèn không được quản lý, chăm sóc đúng cách, dây nối không đúng kỹ thuật… đến khi có mưa lớn làm ngập nước vào dây nối làm rò rỉ điện ra ngoài đường và người đi đường bước vào vùng ngập nước đó bị điện giật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe… thì đơn vị chủ quản hệ thống đèn chiếu sáng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân chứ không thể đổ lỗi cho sự kiện bất khả kháng được vì trước đó đơn vị quản lý đã không thực hiện đúng và hết trách nhiệm của mình.

Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, người bị thiệt hại và gia đình người bị thiệt hại cần phải nắm thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 607 Bộ luật dân sự: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm".

Ngoài ra, nếu xác định được trách nhiệm của cá nhân cụ thể trong các vụ tai nạn gây chết người nêu trên thì cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:

“1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Mặt khác, trách nhiệm của những cán bộ công chức khi thi hành công vụ và những người có liên quan để xảy ra những việc đáng tiếc nói trên cũng cần phải đề cập đến và hiện các cán bộ công chức đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa, nếu như chưa làm hết trách nhiệm thì xử lý kỷ luật đối với các cán bộ công chức này như thế nào hay chỉ đơn giản trả lời là do sự kiện bất khả kháng là xong?

------------------------------------

Coi chừng trụ đèn chiếu sáng!Sau vụ rò điện làm một HS thiệt mạng: Tai nạn vẫn còn có thể xảy raTrụ đèn rò rỉ điện, một học sinh thiệt mạngÔng trời luôn có lỗi???Gia đình nạn nhân bị điện giật chết khởi kiệnQuanh cái chết thương tâm vì rò điện: Tại sao? Và tại sao?Chống rò điện như thế nào?

Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên