* Hoàn thành kết luận điều tra bổ sung vụ án tham ô tại PMU18
Luật sư - tiến sĩ Phạm Hồng Hải, người bào chữa cho bị can Phạm Tiến Dũng thì cho biết bị can này đã chết ngày 11-7-2009 tại Bệnh viện 19.8, Bộ Công an.
Một lãnh đạo Viện KSND tối cao cũng xác nhận thông tin này và cho biết thêm Phạm Tiến Dũng chết vì những biến chứng của bệnh tiểu đường, sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện. Đến hôm qua (13-7) các cơ quan chức năng đã hoàn tất khám nghiệm pháp y để giao thi thể về gia đình.
Phạm Tiến Dũng sinh năm 1973, trú P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Triển khai dự án 6 (PID6) và Phòng Kinh tế kế hoạch thuộc PMU18 (bị bắt ngày 3.3.2006, bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 - Bộ Công an).
Phạm Tiến Dũng nắm giữ nhiều thông tin quan trọng về các sai phạm xảy ra ở PMU18. Tháng 4.2008, bị can Phạm Tiến Dũng bị truy tố về tội tham ô tài sản. Sau quá trình điều tra kéo dài, đầu năm nay, khi mảng đánh bạc của Bùi Tiến Dũng (nguyên tổng giám đốc PMU 18) kết thúc xét xử phúc thẩm thì mảng tham nhũng của Phạm Tiến Dũng mới kết thúc điều tra. Theo cáo trạng 2-2009 của VKSND tối cao, Dũng cùng vợ và nhiều bị can khác là cán bộ PMU 18 bị truy tố về các hành vi lập hợp đồng khống cho thuê nhà ở, ôtô... chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng.
Cũng trong quá trình điều tra vụ án PMU 18, tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra Chính phủ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện nhiều sai phạm ở dự án cầu Bãi Cháy, trong đó Phạm Tiến Dũng là một trong số bị can chủ chốt. Cáo trạng tháng 5-2009 của VKSND tối cao đã truy tố Dũng và các đồng phạm về tội tham ô tài sản do lập danh sách nhân viên khống, chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng.
Cho đến nay, cả hai vụ án này vẫn chưa chuyển tới tòa để xét xử. Tuy nhiên, việc Phạm Tiến Dũng chết bất ngờ có thể ảnh hưởng nhiều tới việc xác định sự thật vụ án.
* Liên quan đến vụ án cầu Bãi Cháy, ngày 10-7, thiếu tướng Nguyễn Huy Đức, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ký Bản kết luận điều tra bổ sung số 05/C37 (P6) vụ án tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, không tố giác tội phạm xảy ra tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) trong thi công cầu Bãi Cháy.
Kết luận điều tra bổ sung nêu rõ: Mặc dù Bùi Tiến Dũng không thừa nhận có chủ trương cho Phạm Tiến Dũng và một số cán bộ Phòng PID6 thông đồng cùng các nhà thầu BC1, BC2, BC3 lập khống một số nhân viên tư vấn bổ sung để lấy tiền chia nhau và chi phí; Bùi Tiến Dũng cũng không được Phạm Tiến Dũng chia tiền hằng tháng, nhưng căn cứ vào lời khai của các bị can Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Vũ Nam, Nghiêm Phú Sơn, Nguyễn Công Dũng, Đỗ Kim Quý và những người liên quan, căn cứ vào tài liệu, vật chứng thu được, cơ quan điều tra khẳng định Bùi Tiến Dũng đã ký 41 chứng chỉ thanh toán, trong đó có 2.732.516.071 đồng lương nhân viên tư vấn bổ sung khống.
Bùi Tiến Dũng chỉ đạo Phạm Tiến Dũng thuê máy móc, thiết bị thi công lát vỉa hè xung quanh trụ sở PMU18 hết 120.000.000 đồng; chỉ đạo Phạm Tiến Dũng đứng ra lo chi phí cho đoàn bạn học của Bùi Tiến Dũng họp lớp tại Hạ Long hết 100.000.000 đồng; chỉ đạo Phạm Tiến Dũng cho ông Đỗ Kim Quý 500.000.000 đồng khi ông Quý nghỉ hưu. Như vậy, đủ căn cứ kết luận Bùi Tiến Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền Nhà nước và phạm vào tội tham ô tài sản (với số tiền 2.732.516.071 đồng).
Bản kết luận điều tra bổ sung cũng nói rõ trong vụ án này các bị can đã thông đồng tham ô 3.083.089.192 đồng để chia nhau và chi phí. Trong số tiền tham ô này, Phạm Tiến Dũng và đồng bọn công tác tại Phòng PID6 và sau này là Phòng Kinh tế kế hoạch có trích 675.484.000 đồng để chi vào các việc thanh toán cho một số nhân viên có đi làm tại hiện trường, mua sắm thiết bị văn phòng, chi tiếp khách, lát vỉa hè cạnh trụ sở PMU18 và chi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận