21/10/2008 04:30 GMT+7

Bạo hành gia đình

LAM GIANG - ĐỨC THÀNH
LAM GIANG - ĐỨC THÀNH

TT - Bạo hành trong gia đình từ lâu đã trở thành vấn đề xã hội. Sau vụ bạo hành, dù những vết thương thể xác đã lành nhưng vết thương tinh thần còn gây đau đớn thật lâu...

DMOxKy1B.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Xuê bị chồng cắt gân tay, chân...- Ảnh: Lam Giang
TT - Bạo hành trong gia đình từ lâu đã trở thành vấn đề xã hội. Sau vụ bạo hành, dù những vết thương thể xác đã lành nhưng vết thương tinh thần còn gây đau đớn thật lâu...

Những vụ bạo hành dưới đây diễn ra trên địa bàn một tỉnh (Quảng Bình) đã liên tiếp xuất hiện, khiến dư luận bức xúc.

Cái ác đến từ người thân

Đã vài tháng qua nhưng đến giờ bà Phạm Thị Xuê, 56 tuổi, ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bị chồng đánh. Một người hàng xóm của bà Xuê cho biết: “Bà ấy sống rất hiền từ, cả đời chưa làm mất lòng một ai. Từ ngày lấy chồng thì một lòng cung phụng chồng con... Vậy mà bị chồng ra tay độc ác như rứa...”. Theo lối xóm, bà Xuê bị chồng đánh đập, hành hạ cả trăm lần.

Chịu đựng bạo hành là thiên chức?

Bà Phí Thị Minh Châu, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình: “Bạo hành gia đình đang là hiện tượng phổ biến ở tất cả vùng, miền ở Quảng Bình, len lỏi vào cả những gia đình có văn hóa cao, gia đình trí thức... và ngày càng xảy ra nghiêm trọng. Đáng tiếc là nhiều phụ nữ vẫn chưa nhận thức được hành vi bạo hành của người thân là vi phạm pháp luật. Họ cho rằng chịu đựng bạo hành gia đình là “thiên chức”, là đức hi sinh của người phụ nữ, vì vậy đã không đứng ra tố cáo kẻ bạo hành.

Điều đáng buồn nữa là trong hầu hết trường hợp, đoàn thể và cộng đồng chỉ cố gắng hòa giải các bên hơn là đề xuất xử lý kẻ vi phạm. Như vậy là dung túng cho hành vi bạo hành, đẩy người phụ nữ và trẻ em vào chỗ cam chịu, bế tắc”.

Bà Xuê cùng Trần Giang Soạn nên vợ nên chồng khi ông Soạn từng có vợ và ba người con. Dù biết cảnh “rổ rá cạp lại” nhưng bà Xuê vẫn tự an ủi mình: “Con chồng cũng là con mình, mình hết lòng vì người ta thì lẽ chi người ta không thương lại mình!”. Thế mà từ khi về làm vợ, bà Xuê luôn phải chịu đựng những trận đòn vô cớ của chồng. Có tiền uống rượu vào, ông đánh bà vì rượu. Không có tiền mua rượu uống, ông cũng tìm bà để đánh...

Tối 27-6-2008, cũng do không có tiền mua rượu ông đã dùng cục đá to đập làm mặt bà sưng tấy. Sáng hôm sau ông ta lại đánh bà đến ngất xỉu, rồi dùng dao cắt từng bộ phận trên thân thể bà. Rất may hàng xóm phát hiện và đến cứu kịp thời.

Ngồi trên giường bệnh với băng bông đầy người, với những gì bà biểu hiện chúng tôi thấy bà như đã mất hết cảm giác đau đớn, hờn tủi... và cả sự phản kháng!

Cậu bé Đào Trung Kiên, 9 tuổi, ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch) thì thường xuyên phải chịu những trận đòn nhừ tử từ người mẹ kế và bố ruột. Ông Trần Khẩn, ông ngoại Kiên, đã lắc đầu khi kể về mối tình đẹp của con gái ông với Đào Hải Bằng.

Sau khi đã có hai con là bé Hằng và bé Kiên, Bằng vào thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) kiếm việc làm, quen rồi có con với một người đàn bà khác. Năm 2006 Bằng đưa cả hai con vào ở tại Ba Đồn. Hằng và Kiên đang đi học thì Bằng bắt phải ở nhà.

Ông Khẩn kể ngày 19-4-2008, Bằng đem bé Kiên giao lại cho ông. Cởi áo quần ra, thấy gần như toàn người Kiên bị trầy xước, bầm tím. Kiên nhớ lại: “Sáng nớ dì đập cháu rồi gọi ba về đập tiếp, ba tát vào mặt sau đó lấy que sắt quất vào người. Hằng ngày ba với dì hay đập cháu và chị lắm. Cháu muốn đi học nhưng ba không cho, ở nhà bồng em cho dì”. Bây giờ mẹ đẻ của Kiên gần như không còn khả năng nuôi con. Ông Khẩn nói con ông bị mắc bệnh “điên tình” sau khi Bằng bỏ chị theo người khác.

Đầu tháng 10-2008, Trần Thị Thanh, 15 tuổi, ở xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã bị cha là Trần Văn Chính chém một nhát vào cổ suýt mất mạng. Chị Cao Thị Thủy, mẹ Thanh, chưa hết kinh sợ kể: “Sau khi anh ấy uống rượu ở nhà người em ruột về lại đi tiếp với một thanh niên trong làng. Đến 19g anh về nhà, vừa vào trước sân anh nói: “Răng mà mẹ con bây để tau ở lại ngoài quán một mình, tau uống say lỡ ai đập tau thì răng”.

Nói xong, anh liền chụp lấy cây rựa chặt củi rượt đánh tui. Tui chạy được. Anh quay sang chém con Thanh đang ngồi rửa bát. Con bé không kịp chạy nên trúng đòn ngã ra nền đất, máu chảy lênh láng...”. Cháu Thanh nhập viện trong tình trạng mất máu, hôn mê, bị một vết thương dài 10cm, sâu 1cm bên phải cổ. Nhiều năm qua, bất cứ ở đâu và khi nào, hễ cứ uống rượu vào là Chính đánh đập vợ con rất dã man.

Mẹ Đặng Thị Nài, 85 tuổi, ở thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh (TP Đồng Hới) có chồng và con trai là liệt sĩ, người con trai còn lại được mẹ nuôi ăn học, khôn lớn, lấy vợ và sinh được năm người con. Nhưng đáp lại công lao trời biển của mẹ là sự hắt hủi. Năm 2000, ông Thừa, con bà Nài, làm được nhà và dọn ra ở riêng. Mẹ Nài sống chung với vợ chồng cháu nội là Trần Chí Hiếu và Nguyễn Thị Hiền. Hàng xóm đã rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh hai vợ chồng Hiếu-Hiền ngược đãi mẹ Nài. Các đoàn thể ở địa phương nhiều lần đến nhắc song Hiếu - Hiền đều bỏ ngoài tai.

Ngày 14-12-2007, chỉ vì tranh giành một tấm gỗ mà vợ chồng Hiếu - Hiền đã xô mẹ Nài ngã phải nhập viện và mẹ đã qua đời. Anh Đặng Quang Dược, cháu gọi mẹ Nài bằng cô ruột, đã làm đơn tố cáo với chính quyền địa phương. Anh nói vợ chồng Hiếu - Hiền đã hành hung mẹ Nài đến thâm tím mặt mày, gãy xương. Sau khi sự việc xảy ra, mình mẹ Nài nằm kêu khóc trên nền nhà suốt đêm. Nghe tiếng kêu khóc, một số người dân đến tìm hiểu sự tình và giúp mẹ nhưng bị người trong gia đình chửi bới. Hai hôm sau mẹ mới được chính quyền thôn đưa đi bệnh viện nhưng không cứu được.

Những mất mát tinh thần

Những năm qua khi hàng xóm tìm tới can ngăn, bà Xuê đã nói tốt và bao biện cho chồng. Nhiều lần như thế nên bà đã làm hàng xóm bực bội, không còn muốn quan tâm. Mọi người đã thấy quen và xem đó như là chuyện thường ngày của gia đình bà. Cho đến trận đòn thập tử nhất sinh vừa rồi bà mới thật sự tỉnh ngộ và kêu đến xóm làng. Ông Soạn đã ngồi trong tù với mức án 48 tháng. Với những vết thương đầy khắp cơ thể, giờ bà mới thấy tiếc đã không phản kháng sớm hơn trước thói vũ phu của người chồng độc ác.

Còn vết thương của Trần Thị Thanh đã thành sẹo, nhưng đến bao giờ Thanh mới quên được hình ảnh người cha nhẫn tâm cầm rựa đuổi chém mẹ và mình? Có thể rồi đây - như thượng tá Phạm Hữu Tân, phó trưởng Công an huyện Quảng Trạch, cho hay - ba của Thanh sẽ bị khởi tố nếu công an điều tra thấy đủ căn cứ.

Hay như em Kiên, ba em không phải đứng trước tòa hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính. Không biết em có lấy lại được tình thương yêu của ba và dì sau này?

Rồi vợ chồng ông Thừa, vợ chồng Hiếu - Hiền nữa, liệu từ nay họ có bao giờ mở được miệng để khuyên bảo cháu con phải tận hiếu với ông bà, cha mẹ? Vụ án Trần Chí Hiếu ngược đãi bà nội đã bị Công an TP Đồng Hới khởi tố hình sự nhưng mẹ Nài đã không còn. Bao nhiêu hối hận mai này cũng không làm mẹ sống lại được nữa.

Pháp luật thiếu quy định cụ thể

Bà Đỗ Thị Hoài Châu, cán bộ phụ trách lĩnh vực gia đình của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình: “Năm 2007 tỉnh Quảng Bình có 629 vụ án ly hôn. Nguyên nhân do bạo hành gia đình chiếm trên 53%. Đặc biệt thời gian gần đây nạn bạo hành gia đình đã diễn ra với mọi đối tượng ở mọi hoàn cảnh kinh tế và các độ tuổi khác nhau, ở cả thành thị lẫn vùng nông thôn. Theo tôi, ngoài những nguyên nhân thường thấy, còn một nguyên nhân nữa là pháp luật thiếu những quy định cụ thể về bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân của bạo hành gia đình.

Qua nhiều vụ bạo hành gia đình ở Quảng Bình, tôi thấy chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội sở tại đều không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ đến khi xảy ra sự việc nghiêm trọng mới biết. Bạo hành gia đình không chỉ làm tổn thương sức khỏe, thể xác mà còn dẫn đến những tổn thương tâm lý, tinh thần đối với nạn nhân và người xung quanh. Đặc biệt, bạo hành gia đình làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con trẻ. Sắp tới tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Luật phòng chống bạo hành gia đình ở các cấp.

LAM GIANG - ĐỨC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên