12/10/2007 06:42 GMT+7

Blogger phải chịu trách nhiệm về những gì đã viết

V.C.M. ghi
V.C.M. ghi

TT - Sự kiện ca sĩ Phương Thanh khiếu nại blogger Cô gái Đồ Long về hai bài viết trên blog cá nhân đặt ra vấn đề ranh giới giữa thật và ảo ở đâu; những chứng cứ trong thế giới ảo có phải là chứng cứ trước tòa? Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của các luật sư về vấn đề này.

ooGMOk52.jpgPhóng to
Luật sư Trương Thị Hòa
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có quyền kiện đòi chủ blog bồi thường thiệt hại

Trong trường hợp thấy danh dự, uy tín của mình bị xâm hại bởi một bài viết không đúng sự thật trên blog nào đó, ca sĩ Phương Thanh có quyền khởi kiện đòi chủ nhân của blog đó phải cải chính, xin lỗi công khai hoặc bồi thường thiệt hại do những thông tin không chính xác đó.

Theo qui định của Bộ luật tố tụng dân sự, để được tòa thụ lý đơn kiện, nguyên đơn phải xác định chính xác tên tuổi, địa chỉ của người bị kiện. Cho nên trong trường hợp này, nếu Phương Thanh có đủ căn cứ xác định được chủ nhân của blog Cogaidolong thì có quyền khởi kiện người đó ra tòa (nếu bị kiện không đúng thì bị đơn có thể phản tố, đòi bên nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại cho mình).

Trong quá trình khởi kiện, khi yêu cầu đòi chủ nhân blog phải xin lỗi, cải chính hoặc bồi thường thiệt hại thì Phương Thanh phải cung cấp được những chứng cứ cho thấy các thông tin không chính xác được đăng tải trên blog này ra sao, đã ảnh hưởng đến uy tín của ca sĩ như thế nào, cụ thể mức thiệt hại do việc này là bao nhiêu… thì mới có thể được tòa chấp nhận yêu cầu. Chuyện Phương Thanh chỉ còn giữ bản in, còn các entry đã được chủ nhân blog xóa có giá trị chứng minh hay không, chứng cứ chứng minh thiệt hại như thế nào… thuộc thẩm quyền đánh giá của tòa án khi giải quyết vụ kiện.

Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Xác định được chủ nhân của blog thì có thể kiện

VGAO5GkV.jpgPhóng to
Luật sư Trương Xuân Tám

Chủ nhân của những blog công cộng phải chịu trách nhiệm về những thông tin trên blog của mình. Những thông tin trên blog không chính xác về một sự kiện, con người mang tính bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và những thông tin này được đưa ra cộng đồng dân cư mạng đều có thể đọc được thì người viết phải chịu trách nhiệm.

Nếu thông tin không chính xác, bịa đặt này gây thiệt hại về kinh tế cho người khác thì phải bồi thường; nếu xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác (như tố cáo người đó nhận hối lộ, giết người…) thì tùy mức độ mà blogger có thể bị chịu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, làm nhục người khác hoặc phải xin lỗi, cải chính. Việc các blog tự ý đăng tải những hình ảnh của người khác mà không được sự cho phép của chủ nhân các bức hình này là vi phạm pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật về hình ảnh, thư tín.

Hiện nay, không phải luật pháp không có qui định để điều chỉnh, chế tài đối với những thông tin không chính xác, vu khống, bôi nhọ người khác trên blog, mà cái khó là việc không xác định được chủ nhân của blog đó là ai.

Trong vụ của Phương Thanh, tên tuổi của blogger đã được xác định rõ và blogger này đã xác nhận mình có đưa các bài viết, dù sau đó có lấy xuống nhưng vẫn có cơ sở buộc chủ nhân blog phải chịu trách nhiệm về các thông tin đó.

Luật sư Nguyễn Thanh Giang (Văn phòng luật sư Tân Việt):

Thông tin trên blog cũng là một kiểu phát ngôn

Blog chỉ được coi là nhật ký cá nhân mang tính riêng tư nếu chủ nhân của blog đó chỉ viết cho riêng mình, không phải bất cứ ai muốn đọc những thông tin trên blog đó đều có thể vào đọc được. Khi những thông tin, hình ảnh trên blog có thể phơi bày cho bàn dân thiên hạ đọc thì không thể coi đó là nhật ký riêng tư nữa. Chủ nhân của blog đó phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đã viết trên blog, cũng giống như việc phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.

Xây dựng qui tắc ứng xử cho blogger

Tôi nghĩ rằng chuyện ứng xử trên blog cũng phải như ứng xử ngoài đời: tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình.

Có những thông tin bạn đưa trên blog có thể gây ảnh hưởng tốt/xấu cho người khác. Việc tốt thì không nói gì, còn việc xấu thì rất đáng lên án. Suy cho cùng, tự do của mình ảnh hưởng không tốt đến người khác thì cần coi lại cái tự do đó.

Theo tôi, cần xây dựng qui tắc ứng xử của các blogger. Qui tắc ứng xử này không phục vụ các nhà quản lý, mà cho các cư dân mạng, cho một lối cư xử văn minh, lịch sự, tôn trọng chính mình và mọi người.

V.C.M. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên