21/01/2006 15:26 GMT+7

Kiện khi Uỷ ban ra sai luật?

Theo Sài Gòn tiếp thị
Theo Sài Gòn tiếp thị

Trong số tám văn bản trái luật của TP.HCM đã được Bộ Tư pháp yêu cầu huỷ bỏ, vi phạm phổ biến nhất là đặt thêm các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt mà luật không quy định.

5FJejxLq.jpgPhóng to
Trong số tám văn bản trái luật của TP.HCM đã được Bộ Tư pháp yêu cầu huỷ bỏ, vi phạm phổ biến nhất là đặt thêm các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt mà luật không quy định.

Cụ thể việc xử phạt qua hình ảnh, việc đưa người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn đi lao động tại các cơ sở sản xuất sai vì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ chưa cho phép, hoặc chưa quy định. Nghị định 15/2003 của Chính phủ chỉ cảnh cáo, phạt tiền, bấm lỗ bằng lái hoặc nặng nhất là tước bằng lái đối với xe vi phạm luật giao thông thì TP.HCM lại tạm giữ hoặc tịch thu luôn. Việc giao Tổ quản lý trật tự đô thị phường đình chỉ xây dựng cũng chưa được luật cho phép.

Một dạng trái luật nữa là xử phạt nặng hơn so với các quy định hiện hành của Trung ương. Ví dụ chỉ thị về tăng cường trật tự an toàn giao thông chỉ áp dụng mức phạt tiền cao nhất theo Nghị định 15/2003/NĐ-CP, trong khi lẽ ra phải áp dụng nhiều mức phạt tiền tuỳ theo hành vi vi phạm…

Trả lời báo chí, nhiều vị có trách nhiệm ở Trung ương và TP. HCM đều khẳng định người hoặc cơ quan ban hành các văn bản trái luật sẽ bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự tuỳ mức độ vi phạm, còn người bị thiệt hại (ví dụ người đã bị giam xe, tịch thu xe, người lang thang đã bị đưa vào các cơ sở sản xuất, thậm chí người… tè bậy ngoài đường) đều có thể đưa Uỷ ban TP.HCM ra toà - nếu muốn.

Chuyện công chức phải bồi thường vì đã ra quyết định thi hành án trái luật, gây thiệt hại cho công dân không thiếu, nhưng đó chỉ là các văn bản có hiệu lực đối với một hoặc vài người. Còn tám văn bản kể trên có hiệu lực với cả chục triệu dân sống trong TP.HCM thì quy trình chịu trách nhiệm ra sao?

Giả sử A không đội mũ bảo hiểm nên bị cảnh sát giao thông B phạt giam xe 10 ngày. Vậy, A có thể kiện B ra toà yêu cầu huỷ quyết định xử phạt trái luật trên và đòi bồi thường thiệt hại. Theo luật, B phải hầu toà nhưng người bồi thường cho A lại là cơ quan của B, vì B làm sai trong khi thực hiện công việc mà cơ quan giao.

Theo Thạc sĩ luật Nguyễn Văn Chương, qui trình kiện tụng đến đó là hết (mặc dù cả B lẫn Đội tuần tra giao thông đều không có lỗi vì họ chỉ thừa hành chỉ thị của UBND TP.HCM). Và cấp trên của B là Sở Công an TP chỉ có thể kiến nghị UBND TP.HCM huỷ bỏ quyết định sai luật, thế thôi, vì hiện tại chưa có quy định nào cho phép khởi kiện một văn bản quy phạm pháp luật ra toà. Tóm lại là "trên làm, dưới chịu".

Nhưng cũng có ý kiến khác. Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP. HCM) khẳng định rằng công dân bị thiệt hại hoàn toàn có thể kiện thẳng UBND TP.HCM ra toà vì đã gây thiệt hại cho họ.

Đi tìm lời giải

Theo quy định tại Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, địa phương không có quyền ban hành văn bản quy định hành vi vi phạm hành chính và biện pháp xử phạt hành chính. Đó là vì, thứ nhất, những hành vi và biện pháp xử phạt đó đụng đến quyền cơ bản của công dân, phải để cơ quan Trung ương từ cấp Chính phủ trở lên ban hành. Thứ hai, nguyên tắc pháp chế bảo đảm trật tự kỷ cương chung không thể để tình trạng cùng một hành vi ở tỉnh này thì không sao, sang tỉnh khác lại bị coi là vi phạm và bị phạt.

Sự ra đời quyết định trái luật của 33 tỉnh thành có lẽ do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có thể xếp chúng vào hai dạng phổ biến: hạn chế trong nhận thức và "làm đại" vì áp lực quản lý.

Ở dạng thứ nhất, do địa phương không nắm chắc quy định của Trung ương về nguyên tắc, thẩm quyền ban hành văn bản.

Dạng thứ hai thì nghiêm trọng hơn. TP.HCM rơi vào dạng này. Vì áp lực quản lý đô thị nên chính quyền dù biết nhưng phải cắn răng "vượt rào". Điều này thấy rõ nhất trong các văn bản xử lý người lang thang, xin ăn, làm mất vệ sinh công cộng, giao thông đô thị… Nguyên do một phần bởi thể chế Trung ương có những điểm chưa đáp ứng yêu cầu của TP hoặc có những bất cập (luật chưa dự liệu hoặc dự liệu chưa hết). Một quan chức thành phố than thở: "Có những đề nghị chính đáng của TP lên Trung ương nhưng chờ gần ba năm qua không thấy động tĩnh gì. Trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ, TP vẫn luôn phải đối mặt với thực trạng".

Bà Ngô Minh Hồng, phó giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM cũng bộc bạch: "Thành phố luôn luôn rơi vào thế kẹt là vì có những vấn đề mà nếu răm rắp theo quy định thì không có tác dụng răn đe, và trên thực tế, thành phố nếu làm đúng thì coi như bị "bó tay" trước đời sống".

Không thể "nhốt chung một rọ", nơi quản lý 10 triệu dân sẽ không thể giống nơi chỉ có 500 ngàn dân. Như vậy, sự cần thiết trước mắt ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội là phải có một nghị định riêng trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính. Mới đây, tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã ủng hộ TP.HCM thành lập một chính quyền đô thị.

Theo Sài Gòn tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên