Phóng to |
Robot leo cầu thang chỉ vượt được hai bậc tam cấp, đến bậc thứ ba, tư thì không vượt nổi, phải kéo thì mới đi lên tiếp tục |
Hội đồng khoa học tại Sở KHCN đã không nghiệm thu đề tài nghiên cứu chế tạo robot leo cầu thang vào ngày 10.12 vừa qua vì cho rằng đề tài "không hoàn thành".
Đề tài do một nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn cơ điện tử khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Chủ nhiệm đề tài: tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp - Chủ nhiệm bộ môn cơ điện tử và kỹ sư Đoàn Thế Thảo.
Hội đồng khoa học tại Sở KHCN đã không nghiệm thu đề tài vào ngày 10-12 vừa qua vì cho rằng đề tài "không hoàn thành". Và ngay trong buổi nghiệm thu, một số thành viên hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học của Viện Cơ học ứng dụng, ĐH Bách khoa TPHCM đã cho rằng đề tài nghiên cứu trên đã sao chép quá nhiều từ một trang web.
Robot dỏm: Thang giả, leo được; còn thang thật thì...
Robot leo cầu thang đã vượt dốc nhanh chóng ở cầu thang tự tạo của nhóm nghiên cứu. một cách lẹ làng. Thế nhưng khi Hội đồng Nghiệm thu Đề tài đề nghị nhóm nghiên cứu cho robot leo thử cầu thang thật thì... có "vấn đề"! Ở một cầu thang ngay hành lang Văn phòng Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) TP.HCM, robot đã không tự vượt nổi nấc thang đầu tiên. Nhóm nghiên cứu đã loay hoay tìm một bậc tam cấp khác trong khuôn viên Sở thì robot leo được hai bậc, đến bậc thứ ba thì... đứng im. Khi được ủn vào phần đuôi để leo dốc cầu thang, robot leo được lên thêm bậc thang thứ ba... rồi cũng thôi!
Một thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhận xét: "Nếu làm robot mà chỉ để chạy lên chạy xuống cầu thang cho vui thì sinh viên làm cũng được!".
Lập luận của bên cáo buộc
Theo hợp đồng 166/HĐ-SKHCN ký giữa Sở KHCN TPHCM với Trường ĐH Bách khoa, đề tài "Mô hình robot leo cầu thang" phải thực hiện 7 nội dung, như: Tìm hiểu mạch và thiết bị thu nhận tín hiệu không dây; tìm hiểu, lựa chọn các cảm biến vật cản; phân tích mô hình robot leo cầu thang; một số giải thuật xử lý hình ảnh có liên quan... với nguồn kinh phí do Sở KHCN cấp là 68 triệu đồng. Tuy nhiên, kỹ sư Đỗ Văn Dũng (Viện Cơ học ứng dụng) cho rằng mô hình robot leo cầu thang của nhóm nghiên cứu đã sao chép gần như toàn bộ robot Shrimp của Hãng Bluebotics (Thụy Sĩ).
Ông Dũng còn tải từ trang web những tài liệu, hình ảnh để chứng minh sự sao chép của nhóm nghiên cứu. Tiếp xúc với chúng tôi ngày 14.12, TSKH Bùi Song Cầu (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng: "Điều đáng nói là hai bài báo viết về công trình do anh Giáp và anh Thảo viết, một bài chép gần như nguyên xi tài liệu trên mạng bằng tiếng Anh, bài còn lại sao chép khoảng 50%". Hai bài báo trên đã được đăng trong "Tuyển tập hội nghị quốc tế lần thứ 8 về công nghệ cơ điện tử" diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 -12.11.2004.
Cũng theo ông Cầu, trong hôm nghiệm thu, vì nghi vấn nên hội đồng đã mở con robot leo cầu thang ra (thuộc phạm vi đề tài nghiên cứu) và phát hiện bên trong chỉ có một mạch điện đóng mở để vận hành một bộ cơ chứ không hề có "hệ thống truyền dẫn dữ liệu không dây" (chương 7) và "hệ thống điều khiển..." (chương 8) như báo cáo đề cập. Có nghĩa là, nhóm nghiên cứu đã báo cáo những điều không có, không làm như trong hai chương trên. Ông Cầu cho biết thêm, sự sao chép của báo cáo công trình và hai bài báo giống tài liệu trên trang web nước ngoài từ công thức, hình dáng đến kích cỡ, các hình ảnh, bản vẽ v.v... thế nhưng nhóm nghiên cứu chỉ dùng từ "tham khảo" trong báo cáo.
Nhóm nghiên cứu nói gì?
Phóng to |
Các mô hình in trong báo cáo đề tài (trái) giống với mô hình của tài liệu trên website |
Để có ý kiến từ hai phía, chúng tôi đã tìm gặp TS Nguyễn Văn Giáp vào chiều 14-12 tại Trường ĐH Bách khoa.
Điểm thứ nhất là về hai bài báo, ông Giáp thừa nhận "chỉ có một bài sao chép từ tài liệu trên trang web áng chừng giống nguyên xi 30%". Ông nói: "Tôi nhận sai sót về việc này. Tôi rất buồn và đau đầu không biết tại sao mình lại làm như thế".
Điểm thứ hai, ông Giáp cho rằng hội đồng nghiệm thu cáo buộc con robot có chức năng đi quẹo bị cáo buộc là mượn của một nhà khoa học khác là không chính xác, mà do chính nhóm nghiên cứu làm ra. Còn vì sao một lúc lại có nhiều con thì ông lý giải do thời gian gấp gáp, nhóm phải chia ra thực hiện những phần việc khác nhau trên những con robot khác nhau cho kịp tiến độ, cho nên nhóm mới mang đến buổi nghiệm thu hai con: Một con là robot đi thẳng và leo cầu thang; một con là robot đi quẹo và xử lý.
Ông Giáp công nhận con robot đi thẳng bên trong chỉ có một mạch công suất, còn con xử lý hình ảnh mới có các hệ thống điều khiển nhưng "bị cho là vay mượn nên không được tính, thành ra chúng tôi bị cho là chẳng làm được gì". Điểm thứ ba bị cáo buộc là robot của nhóm nghiên cứu sao chép gần như hoàn toàn từ robot nước ngoài, ông Giáp cho rằng "chỉ đồng dạng chứ kích thước không hoàn toàn trùng khớp".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu công trình nghiên cứu mô hình robot leo cầu thang không sao chép gần hoàn toàn của nước ngoài thì hai bài báo viết về công trình trên lại giống đến 30% như ông Giáp công nhận? Ông Giáp trả lời: "Vì bài báo là tiếng Anh. Để viết được rất khó khăn đối với chúng tôi, nên chúng tôi đã cóp trên website xuống sử dụng và không kiểm tra kỹ..." (?).
Trong robot, chỉ thấy... rơ-le!
TSKH Bùi Song Cầu trao đổi trực tiếp với chủ nhiệm đề tài về những điểm sai trong báo cáo.
Do việc "nghiên cứu, thiết kế, chế tạo" mô hình robot leo cầu thang được làm hoàn toàn theo bản vẽ nước ngoài, phần tính toán hầu như không có nên TSKH Bùi Song Cầu đề nghị điểm cho đề tài là 0 điểm. Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng lại cho rằng "phần công sức của nhóm đề tài trong việc gia công cơ khí cần phải được ghi nhận".
Kỹ sư Phan Trí Dũng, giám đốc Công ty Cổ phần khoa học công nghệ P.E và là thành viên Hội đồng Nghiệm thu, cho rằng "dù làm theo công thức và bản vẽ nước ngoài nhưng nhóm nghiên cứu cũng đã bỏ nhiều công sức để làm ra được một con robot" và "kết quả của đề tài là có khả năng ứng dụng thực tế". Vì vậy, ông đề nghị Hội đồng cho phép nghiệm thu đề tài.
Cuối cùng, một thành viên trong Hội đồng Nghiệm thu là TS Nguyễn Thị Phương Hà, ĐH Bách khoa TP.HCM đề nghị cho mở robot leo cầu thang để xem các phần thiết kế bên trong rồi mới đánh giá. (Đến lúc này, các thành viên đề tài và báo chí được mời ra ngoài phòng họp.)
Một thành viên Hội đồng thuật lại: Khi mở ra, bên trong robot chỉ thấy... rơ-le, không thấy bộ vi xử lý ở đâu. Robot chưa thế xem là robot khi thiếu bộ phận vi xử lý - phần điều khiển trung tâm để điều phối mô-tơ. Cả phần cấp nguồn xung yếu để tiết kiệm năng lượng cũng không hề thấy!
Chưa rõ, nguyên nhân có phải do robot mà nhóm nghiên cứu tự chế tạo là sao chép hay vì lý do nào khác. Ít ra, Hội đồng Nghiệm thu Đề tài đã xét "chưa đạt" đối với đề tài nói trên.
TSKH Nguyễn Xuân Hùng, Viện Cơ học, chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, trong phần thông báo công khai kết quả đề tài đã cho biết: Đề tài chỉ đạt điểm trung bình là 47,5, theo quy định là không đủ điểm đạt.
Khi thông báo kết quả, TSKH Nguyễn Xuân Hùng đã buồn bã nói: "Suốt hơn mười năm tôi tham gia Hội đồng Nghiệm thu cấp Thành phố, đây là lần đầu tiên có một đề tài không đạt nghiệm thu như vậy!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận