21/09/2013 21:59 GMT+7

Khắp nơi hưởng ứng Ngày tê giác thế giới 22-9-2013

THIÊN NHIÊN
THIÊN NHIÊN

TTO - Ngày 22-9 hàng năm được chọn là Ngày tê giác thế giới do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Nam Phi khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2010. Sau ba năm ra đời, ngày đặc biệt này được nhiều quốc gia hưởng ứng.

HsbUwByF.jpgPhóng to
Con người hãy chung tay bảo vệ 5 loài tê giác còn lại trên thế giới - Ảnh: telegraph.co.uk
nS4T3Dab.jpgPhóng to
Poster hưởng ứng Ngày Tê giác thế giới 22-9-2013 - Ảnh: worldrhinoday.org
EEvfTSkc.jpgPhóng to
Trẻ em vẽ tranh tê giác tại sở thú Frankfurt, Đức - Ảnh: worldrhinoday.org
sChgpqgW.jpgPhóng to
Tác phẩm tranh bảo vệ tê giác do trẻ em Nam Phi thực hiện - Ảnh: durban.getitonline.co.za
X4jch6ES.jpgPhóng to
Tượng tê giác khổng lồ được xây dựng ngay tại Khu mua sắm Goldfields ở Welkom, Nam Phi - Ảnh: worldrhinoday.org
R09TqyaF.jpgPhóng to
Nhức nhối thảm họa tê giác bị giết cưa lấy sừng - Ảnh: planetsave.com

Tại sở thú Frankfurt (Đức), các em thiếu nhi hào hứng tham gia vẽ tranh tê giác và lắng nghe sở thú tổ chức buổi thuyết trình về tình trạng “nguy cơ tuyệt chủng” các loài tê giác hiện nay.

Theo Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI), 5 loài tê giác còn lại trên thế giới là tê giác Ấn Độ hay tê giác một sừng lớn Rhinoceros unicornis, tê giác trắng Ceratotherium simum, tê giác đen Diceros bicornis, tê giác Sumatra Dicerorhinus sumatrensis và tê giác Java Rhinoceros sondaicus.

Trong đó, cá thể tê giác cuối cùng của phân loài tê giác Java Việt Nam đã chết do bị bắn năm 2010 tại vườn quốc gia Cát Tiên mặc dù đã có nhiều chiến dịch bảo tồn loài này tại nước ta.

Còn hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Lewa, Kenya kêu gọi mọi người chia sẻ hình ảnh tê giác lên trang cá nhân Hiệp hội này trên Facebook và viết kèm theo tin nhắn hay thông điệp tuyên truyền bảo vệ chúng!

Tại Nam Phi, thực hiện dự án bảo tồn tê giác, hơn 5.000 tác phẩm bằng tranh nghệ thuật do các em thiếu nhi Nam Phi, Mozambique và Swaziland thực hiện được trưng bày tại Trung tâm mua sắm Boardwalk, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi. Ngoài ra, một tác phẩm tượng tê giác khổng lồ được xây dựng ngay tại Khu mua sắm Goldfields ở Welkom, Nam Phi thu hút người lớn và trẻ em đến chụp ảnh.

Theo Worldrhinoday.org, nhiều hoạt động khác với mục đích chung là bảo vệ tê giác cũng đã và đang diễn ra sôi nổi tại Mỹ, Anh, Malaysia, Nepal, Úc, New Zealand, Zimbabwe và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ra mắt một phim ngắn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về thực trạng đáng báo động cùng những hiểm họa mà các loài tê giác trên thế giới hiện đang phải đối mặt.

Nạn dịch săn bắn trộm tê giác vẫn đang tiếp diễn tại châu Phi và châu Á, bởi sừng tê giác bán được giá cao, khoảng 31.000 bảng Anh/kg (tương đương 49.800 USD/kg). Sừng tê giác đã được dùng trong y học cổ truyền châu Á hàng ngàn năm qua, nhưng các nghiên cứu khoa học cho biết không có bằng chứng nào cho thấy tác dụng chữa bệnh của sừng này.

Thống kê của FFI cho biết cứ 10 giờ thì có một con tê giác bị giết cưa lấy sừng. Năm 2012, có đến 668 con tê giác bị giết chết chỉ tính riêng tại Nam Phi - nơi sinh sống của 75% dân số tê giác trên thế giới. Đến thời điểm này năm 2013, số tê giác bị giết chết tại Nam Phi đã tăng vọt đến 618 con, ước tính “đạt mốc thảm họa” 1.000 con vào cuối năm nay.

“Vấn nạn săn trộm sừng tê giác đang ở thời điểm khủng hoảng, nếu sự chết chóc này tiếp tục gia tăng, thì số lượng tê giác chết sẽ tăng cao hơn số lượng tê giác con được sinh ra trong năm 2016-2018” nhận định của tiến sĩ Rob Brett, giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài tại FFI-châu Phi.

THIÊN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên