30/10/2012 07:58 GMT+7

Đào vàng phá rừng phòng hộ

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Rừng phòng hộ thủy điện An Điềm (xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam) đang trở thành điểm nóng của nạn làm vàng trái phép.

Nhiều người đã ví công trường vàng trong rừng sâu này như “bãi vàng Phước Sơn” thứ hai của Quảng Nam.

NDfOangE.jpgPhóng to
Khai thác vàng trái phép tại thôn Lấy (xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam) - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Gần hai tháng sau vụ một trung tá công an huyện Đông Giang trong quá trình truy quét vàng tặc ở xã Tư (huyện Đông Giang) bị tàu cuốc khai thác vàng nghiền đứt chân, trở lại nơi này mới đây chúng tôi thấy nạn đào vàng trái phép vẫn rất nóng.

Đại công trường giữa rừng

Từ trụ sở UBND xã Tư đi theo tuyến đường lâm nghiệp dọc theo thượng nguồn sông Vàng gần 15km đường rừng vào thôn Lấy là một thế giới khác hoàn toàn. Hai bên đường rền vang tiếng máy nổ đào đãi vàng sa khoáng. Khác với vẻ tĩnh mịch của rừng xanh, càng vào sâu trong rừng không khí càng náo hoạt hơn. Các điểm nóng phải kể đến là suối Bứa, hang Chuột, suối Nước Trong, Đá Đen. Dù nằm cách biệt trong rừng sâu, nhưng một quán tạp hóa rất lớn đã được dựng lên giữa rừng để cung cấp nhu yếu phẩm cho dân làm vàng.

12g trưa..., từng tốp xe máy mang biển số 43 (Đà Nẵng), 18 (Nam Định), 75 (Huế)... chở theo những bao gạo, mắm muối đưa vào bãi. Theo D. đang làm vàng ở hang Chuột, hiện trong rừng có cả vài trăm dân làm vàng ở hàng chục bãi. Có máu mặt nhất là T., quê Ninh Bình, có trong tay cả đội quân đến gần 30 người. T. còn đưa hẳn máy múc loại lớn vào rừng và lập lán trại ngay giữa đường đi. Trước lán T. luôn chầu chực đàn chó bécgiê dữ dằn. Khi thấy người lạ, lập tức chiếc máy múc đang xúc đất đá ven con suối làm vàng của T. liền tắt máy. Gần đó, máy nổ đang phun nước rửa vàng cũng im bặt. Vài đối tượng bặm trợn lập tức phóng ánh mắt dò xét, đe dọa...

Cách bãi của T. vài chục mét là một công trường khác của một chủ bãi gốc Quảng Nam. Dù đã quá trưa nhưng hàng chục con người vẫn đào, đãi, nổ máy... Những hố vàng ăn sâu vào rừng đánh bật hết các gốc cây cổ thụ. Không chỉ vậy, để mở đường đưa máy móc vào làm vàng, các chủ bãi còn đưa cưa vào chặt cây để giải phóng mặt bằng.

Ngược trở ra, các thôn Vàu, Nà Hoa... tình trạng phá rừng làm vàng cũng diễn ra rầm rộ không kém. Ông Ng. (xã Tư) cho biết do khai thác vàng nên nước ngấm từ các bãi vàng ra khiến trâu, bò không có nước uống. “Trước đây, người dân vô rừng phát nương làm rẫy thì bị khởi tố, đi tù. Nay hàng trăm dân đào đãi vàng vô tàn phá thì chính quyền bó tay” - ông Ng. bức xúc nói.

Khó xử lý

UBND huyện Đông Giang khẳng định hiện trên toàn địa bàn chỉ có một doanh nghiệp được tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác vàng ở xã Ba, còn lại là khai thác trái phép. Trong đó, xã Tư đang trở thành điểm nóng nhất của địa bàn về khai thác vàng trái phép. Theo ông Đỗ Tài - chủ tịch UBND huyện Đông Giang, rừng phòng hộ thủy điện An Điềm là rừng phải bảo vệ nghiêm ngặt giữ an toàn cho thủy điện này nhưng đang bị biến dạng vì nạn đào vàng trái phép.

Ông Tài cho rằng cái khó hiện nay là các đối tượng làm vàng đều từ địa phương khác tới. Khu vực làm vàng lại giáp ranh với Đà Nẵng, Huế, địa hình rất trắc trở nên khi lực lượng truy đuổi vào cuộc thì các đối tượng rút hết lên rừng. “Thực tế nhiều lần đoàn truy quét mới ra khỏi trụ sở đã bị lộ do các đối tượng cài người theo dõi cơ quan chức năng. Khi đoàn vào đến rừng, họ lấp máy móc lại và trốn” - ông Tài cho hay.

Trước tình trạng nạn khai thác vàng diễn ra quá nóng bỏng, huyện Đông Giang đã phải điều một cán bộ huyện xuống làm chủ tịch UBND xã Tư để mạnh tay xử lý vàng tặc hơn nữa. Ngay khi được điều về làm chủ tịch UBND xã Tư, ông Nguyễn Văn Bình đã mở đợt truy quét, đẩy đuổi và phá 21 máy nổ làm vàng. Chính quyền địa phương còn chở đối tượng làm vàng ra khỏi địa bàn, đưa tiền mua vé xe về quê. Vậy nhưng vẫn chỉ như “ném đá ao bèo” vì họ lại lén lút quay lại rừng.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên