16/05/2011 06:43 GMT+7

"Phân lô" lòng hồ Dầu Tiếng

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Nhiều hộ dân cơi thêm hàng trăm mét, nhô ra lòng hồ đến 10m, có người lấn đến 10ha lòng hồ. Đó là tình trạng đang diễn ra ở hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam.

oOB4g5Xt.jpgPhóng to

Ao bên trái rộng khoảng 5.000m2 trước đây là lòng hồ nhưng bị một hộ dân đắp đê chắn ngang biến ao trên thành của mình - Ảnh: Q.Khải

Ngày 12-5, chúng tôi đi canô ngược dòng lên khu vực thượng lưu hồ Dầu Tiếng, khi đến địa phận xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) thì phát hiện một đoạn bờ hồ được “đôn” nhô ra lòng hồ với chiều dài hơn 100m, lấn vào hồ gần 10m bằng đất đỏ mới tinh. Cạnh đó một xe cuốc vẫn còn nằm chỏng chơ không người điều khiển.

Biến lòng hồ thành ao riêng

Ông Hồ Anh Thái, trưởng phòng quản lý nước và công trình thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết đây là một trong những “địa chỉ” lấn chiếm lòng hồ trái phép vừa phát hiện. Cách đó không xa, một đoạn bờ khác cũng được cơi thêm dài khoảng 300m, nhô ra lòng hồ khoảng 10m.

Ông Thái cho biết: “Tình trạng lấn chiếm lòng hồ đã xảy ra hơn một năm qua, nhưng do Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa là đơn vị quản lý hồ không có chức năng xử phạt, chế tài, vì vậy khi phát hiện chúng tôi chỉ có thể lập biên bản yêu cầu ngưng việc lấn chiếm. Tuy nhiên cũng có trường hợp phát hiện nhưng không lập được biên bản vì thời điểm đó chủ đất đã trốn”. Có thể các vụ việc trên chưa được xử lý đến nơi đến chốn nên tình trạng lấn chiếm lòng hồ ngày càng nhiều hơn, xảy ra táo tợn hơn. Đơn cử trường hợp tự ý đắp một đoạn bờ bao để biến một khúc eo khoảng 5.000m2 trong lòng hồ thành ao cá riêng do ông Trần Văn Sinh (ấp Hòa Phú, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) thực hiện tháng 4-2010. Mặc dù vụ việc được lập biên bản nhưng đến nay đoạn bờ bao trên vẫn chưa được tháo dỡ trả lại hiện trạng như cũ.

Ông Vũ Đức Hùng, giám đốc Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, thừa nhận có nhiều trường hợp lấn chiếm thu hẹp diện tích lòng hồ, trong đó có vụ lấn chiếm đến 10ha nhưng đến nay vẫn chưa thống kê được con số cụ thể. Ông Hùng cũng cho biết do không thể xử lý được nên đã báo cáo các vụ việc trên cho Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay các vụ lấn chiếm không những chưa được giải quyết mà có dấu hiệu tăng thêm.

Tái phát nuôi cá bè

Cũng theo ông Hùng, ngoài việc bị lấn chiếm, hồ Dầu Tiếng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động chăn nuôi đang diễn ra ở khu vực lòng hồ. Đặc biệt sau khi hơn 1.000 bè cá bị giải tỏa trắng (từ năm 2007) vì lo ngại gây ô nhiễm nguồn nước, hiện nay hoạt động nuôi cá bè có dấu hiệu tăng trở lại. Cũng trong ngày 12-5, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dầu Tiếng đã kiểm tra trên lòng hồ (thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng) phát hiện có đến 13 bè cá đang hoạt động.

Ông Hà Tuấn Mỹ, chuyên viên Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dầu Tiếng, cho biết trước đó kiểm tra chỉ phát hiện tám bè. Phòng Tài nguyên - môi trường đã lập biên bản xử lý và yêu cầu chủ các bè trên phải chấm dứt hoạt động kể từ tháng 6-2011, nhưng nay lại xuất hiện thêm năm bè mới.

Ông Nguyễn Minh Châu, phó Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dầu Tiếng, cho biết vì địa bàn giáp ranh với Tây Ninh nên việc kiểm tra, xử lý khó khăn do chủ bè chạy qua chạy lại. Ông Châu cho biết sẽ báo cáo lại tình hình tái nuôi cá bè cho huyện Dầu Tiếng để có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, đồng thời trong thời gian tới sẽ phối hợp với chính quyền địa phương phía Tây Ninh và Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa xử lý dứt điểm tình trạng nuôi cá bè trái phép trên lòng hồ.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên