Phóng to |
Các loại chai, lọ, chuột vi tính... được khoác lên mình một lớp áo mới để trở thành những tác phẩm nghệ thuật xinh xắn, thu hút các em thiếu nhi tại ngày hội - Ảnh: Minh Đức |
Phóng to |
Bà Trương Thị Tường Vân - nhà ở quận Tân Bình - cùng hai con mang các loại chai lọ, hộp giấy đã qua sử dụng đến đổi lấy quà - Ảnh: Minh Đức |
Chương trình do Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM tổ chức ngày 17-4 tại Cung văn hóa Lao động (Q.1, TP.HCM), thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Suốt nhiều tháng trước ngày hội, nhiều hoạt động diễn ra để hưởng ứng ngày hội như cuộc thi “Túi xanh từ phế thải”, thu gom chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố, cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải” dành cho học sinh, cuộc thi “Thời trang từ vật liệu phế thải” và “Sáng tác tranh cổ động 3T” dành cho sinh viên... |
16 đơn vị (doanh nghiệp, trường đại học, đội nhóm tình nguyện về môi trường...) có gian hàng tham gia ngày hội mang đến cho người dân nhiều hoạt động: triển lãm và hướng dẫn cách phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình, các quy trình tái chế các loại chất thải thông thường; triển lãm túi thân thiện với môi trường, các công nghệ, sản phẩm tái chế; trò chơi, đố vui có thưởng về môi trường...
Hình ảnh dễ gặp tại ngày hội là người dân ở mọi lứa tuổi hào hứng tay xách nách mang lỉnh kỉnh vỏ chai nhựa, vỏ đồ hộp, bóng đèn hư cũ, pin cũ, quần áo cũ đến để đổi quà... Các nhân viên trực tại các gian hàng thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom chất thải có thể tái chế, gian hàng trao đổi đồ dùng vật dụng cũ không ngơi tay thu nhận các sản phẩm, quy đổi thành phiếu đổi quà, trao quà cho người dân.
Bác Nguyễn Đăng Hiếu (73 tuổi, sống tại Q.3, TP.HCM) mang đến ngày hội gần 100 viên pin đã qua sử dụng. Bác cho biết: “Mỗi khi thay pin các thiết bị như điều khiển tivi, máy nghe nhạc..., tôi và vợ không bao giờ vứt pin vào sọt rác mà gom lại cất riêng vì hiểu rõ đó là những chất thải độc hại. Ngoài pin, chúng tôi còn gom bóng đèn cũ, vỏ chai nước...”.
Hào hứng khám phá hết gian hàng này đến gian hàng khác, nhóm học sinh Thu Thảo - Thùy Linh - Vân Anh (đều học lớp 7 Trường THCS Lê Văn Việt, Q.Thủ Đức, TP.HCM) khoe: “Ba má biết bọn em tham dự ngày hội nên khuyến khích tìm những vật dụng cũ, vỏ chai trong nhà mang đi đổi”.
Các bạn trẻ này cũng rất có tinh thần “tái sử dụng”. Vân Anh cho biết thường dùng thùng cactông qua sử dụng làm thành những hộp trang trí xinh xinh ở góc học tập, Thu Thảo dùng vỏ chai nhựa làm hộp đựng bút hay bình hoa, còn Thùy Linh thường rửa sạch bao nilông mẹ mang về từ chợ để lần sau mẹ hay bà ngoại đi chợ sẽ mang theo sử dụng tiếp.
Còn cô sinh viên ngân hàng Nguyễn Thị Thùy Dung không chỉ gom rác nhà mình mà còn vận động hàng xóm cùng tham gia đổi rác thải nguy hại lấy quà.
“Đông tay thì vỗ nên kêu”
Không chỉ có công nhân, sinh viên, người nội trợ, ngày hội còn là nơi nhiều bậc phụ huynh đưa con em đến vui chơi kết hợp giáo dục con những ý thức giản dị nhất về bảo vệ môi trường.
Tranh thủ khoảng thời gian rảnh, nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thúy Hoan đưa ba cháu đang ở độ tuổi thiếu nhi đến với ngày hội. Ba cô bé rất thích thú với những trò chơi, các sản phẩm tái chế xinh xắn và nhất là cuốn truyện tranh Trái đất ngập lụt của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM.
Một số người dân tham dự ngày hội mong muốn hoạt động thu gom, đổi chất thải nguy hại hộ gia đình lấy quà được tổ chức thường xuyên hơn, để vừa xây dựng thói quen thu gom vừa nhanh chóng “giải phóng” lượng rác này khỏi gia đình. Bác Nguyễn Đăng Hiếu còn đề xuất: “Một ngày hội thu gom chất thải nguy hại đổi quà là ý tưởng rất hay. Và sẽ càng hay hơn nếu hoạt động này triển khai thường xuyên tại mỗi khu phố, để người dân có ý thức thu gom chất thải nguy hại trong hộ gia đình”.
Mỗi cá nhân, tập thể áp dụng “3T” trong công việc, đời sống hằng ngày chính là thông điệp ban tổ chức mong muốn truyền tải từ ngày hội này.
Năm 2008 toàn thành phố chỉ có 24 điểm thu gom chất thải nguy hại của các quận đoàn, thì nay đã tăng lên 104 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận