24/07/2004 05:12 GMT+7

Ông kỹ sư già và công trình khoa học bị lãng quên

Bài, ảnh: QUỐC THANH
Bài, ảnh: QUỐC THANH

TT - Với 35 năm mang danh “nhà khoa học”, có lẽ tài sản của kỹ sư Lê Ngọc Khánh không có gì quí hơn ngoài hai “bằng độc quyền sáng chế” do Cục Sở hữu công nghiệp VN cấp và hai bằng phát minh do Cục Sáng chế Nhật Bản cấp.

grR5SX2N.jpgPhóng to
Ông Lê Ngọc Khánh với chiếc máy tách hỗn hợp dầu - nước (mô hình thử nghiệm) công suất 50m3/ngày
TT - Với 35 năm mang danh “nhà khoa học”, có lẽ tài sản của kỹ sư Lê Ngọc Khánh không có gì quí hơn ngoài hai “bằng độc quyền sáng chế” do Cục Sở hữu công nghiệp VN cấp và hai bằng phát minh do Cục Sáng chế Nhật Bản cấp.

Đó chính là loại vật liệu siêu nhẹ dùng thu gom dầu tràn; thiết bị tách hỗn hợp dầu - nước ngay tức khắc và thiết bị tách tetrachloro - ethylene ra khỏi nước.

Thế nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ nhiều người, kể cả “dân” trong ngành, vẫn chưa biết nhiều về các loại vật liệu và thiết bị này. Phải chăng vì nó quá giống đồ chơi trẻ con nên không được nhiều người để tâm, chú ý?

“...Về hưu lâu rồi nhưng tôi vẫn miệt mài nghiên cứu như ngày nào! Ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn còn là kỹ sư thôi nè” - vừa đi ông vừa nói. Kỹ sư Lê Ngọc Khánh dẫn tôi ra hành lang tầng một của ngôi nhà khá khang trang nằm trên đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình, TP.HCM. Ông vừa nói vừa chỉ: “Cái này đây. Chiếc máy tách hỗn hợp dầu - nước ngay tức khắc đấy. Tôi định giới thiệu với cậu, nó đã được VN cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 1999 và Nhật Bản cấp bằng phát minh vào năm 2004”.

Và ông bắt đầu “biểu diễn”. Ông vặn vòi nước cho chảy xối xả vào thùng dầu cặn rồi đổ vào chiếc thùng inox. Đầu bên này ông đổ hỗn hợp dầu - nước vào thì đầu kia nước ra nước, dầu ra dầu, chảy ra hai vòi khác nhau. Nói thật, tôi cũng không tin vào mắt mình vì nó quá đơn giản, như đồ chơi trẻ con vậy. Tôi mạo muội yêu cầu ông lặp lại đôi ba lần liên tiếp. Và lần nào cũng thế. Tôi vô cùng thắc mắc không thể hiểu nổi tại sao chiếc máy “tách hỗn hợp dầu - nước ngay tức khắc” lại đơn giản đến như thế.

Và càng thắc mắc hơn khi chiếc máy tách dầu - nước ấy được bảo hộ “độc quyền sáng chế” tại VN và cả nước công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản cũng công nhận là một phát minh. Tôi quay sang hỏi ông về việc tiêu tốn năng lượng của chiếc máy “quái lạ” ấy. “Ồ! Không. Chiếc máy này vận hành không cần điện, không cần nhiệt và cũng chẳng cần hóa chất” - ông Khánh trả lời rất tự nhiên cho câu hỏi “mỗi giờ máy chạy tốn bao nhiêu điện?”. Câu trả lời của ông Khánh khiến tôi càng thêm thắc mắc.

Ông giảng giải: Thật ra trong ruột chiếc máy rất đơn giản, chỉ có một tấm lưới mỏng, lỗ to cỡ 1-2cm. Tấm lưới này được làm bằng hợp kim đặc biệt. Khi hỗn hợp nước - dầu chảy vào thùng máy làm cho tấm lưới rung do bị tác động của dòng chảy. Khi tấm lưới rung sẽ tạo ra một điện từ trường yếu và chính điện từ trường yếu này lập tức tác động lên dầu và đẩy dầu lên phía nửa trên của thùng máy.

Trong khi đó nước không chịu tác động của điện từ trường và có tỉ trọng lớn hơn dầu nên bị chìm xuống ở nửa dưới đáy thùng. Có thể hiểu nôm na về nguyên lý hoạt động của máy như thế. Tiếp sau đó, theo nguyên lý bình thông nhau, nước dâng ngược lên và được chứa vào khoang chứa để làm sạch dầu một lần nữa. Nước sạch dầu chảy tràn dần qua vùng chứa khác và theo ống nối thoát ra ngoài.

Còn dầu sau khi tách khỏi nước cũng được giữ ở phần nửa trên thùng máy và cũng dùng ống nối dẫn ra ngoài. Cứ thế hỗn hợp dầu - nước bơm vào đầu bên này của máy thì dầu ra dầu, nước ra nước, chảy ra hai ngả khác nhau ở đầu bên kia máy.

Ông Khánh nói “máy tách hỗn hợp dầu - nước tức thì” rất tiện lợi khi thiết kế nó gắn liền trên các tàu chuyên dụng xử lý sự cố tràn dầu. Khi gặp sự cố tràn dầu, chỉ cần đặt ống hút dầu tràn lẫn nước lên và cho chảy qua “hệ tách hỗn hợp dầu - nước tức thì” là có thể xử lý rất nhanh mà không phải quá vất vả, tốn kém để tìm cách chứa “hỗn hợp dầu ít, nước nhiều” sau khi được hút lên từ sông, biển...

Ông Khánh còn là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế mang tên “Phương pháp sản xuất vật liệu thu gom dầu loang dạng sợi” cũng do Cục Sở hữu công nghiệp VN cấp. Ông Khánh cho biết đã sản xuất được loại sợi thu gom dầu loang và bán khá nhiều với giá khá rẻ. Theo thông tin mô tả trong phần những lợi ích có thể đạt được từ sáng chế cho thấy “sợi hút dầu” có độ thu gom dầu tràn rất cao, khoảng 25-65 lần trọng lượng dầu cho một trọng lượng vật liệu trong một lần hút; có thể tái sử dụng hàng trăm lần; vật liệu gần như không hút nước...

Thế nhưng không hiểu sao những vụ tai nạn tràn dầu gần đây nhất ở khu vực sông Sài Gòn và huyện Cần Giờ (TP.HCM) gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, công tác khắc phục hết sức khó khăn, vất vả... nhưng vẫn không thấy xuất hiện loại vật liệu hút dầu, cũng như “máy tách hỗn hợp dầu - nước” mà ông Lê Ngọc Khánh đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Cho dù việc ứng dụng đó xem như là một lần thử nghiệm, tập dượt... cũng không được triển khai.

Phải chăng đó cũng chỉ là kết quả của một đề tài có cùng “số phận” như một số đề tài nghiên cứu khác, chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để có thể đưa vào sản xuất và ứng dụng rộng rãi? Thực tế, các nhà quản lý khoa học ở TP.HCM không thể nói không biết kết quả nghiên cứu trên vì đã cấp hơn 130 triệu đồng vào năm 1997-1998 với mục đích tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh trên cơ sở một số kết quả đạt được trước đó. Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học?

Bài, ảnh: QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên