21/02/2011 06:18 GMT+7

Mưa dầm thấm sâu

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TT - Một người mẹ ngạc nhiên vì buổi sáng con trai xách theo cà mèn mua bánh cuốn. Người mẹ khác vui với món quà xinh xắn của con gái làm từ... rác là những vỏ lon nước ngọt và vỏ hộp sữa. Đó là những câu chuyện của các bạn nhỏ lứa tuổi tiểu học, đang là học viên lớp Bajiko (Q.Tân Bình, TP.HCM).

m2oHe80o.jpgPhóng to
Các cô bé, cậu bé học viên lớp Bajiko say sưa làm thí nghiệm về môi trường - Ảnh: T.H.H.

Bảo vệ môi trường không phải là hô hào ầm ĩ, là việc dài hơi và đi vào từ chiều sâu giáo dục. Đó là điều chúng tôi đúc kết được sau hai năm theo dõi một lớp học thú vị...

Đổi hộp xốp = cà mèn

Nguyễn Phước Thuần, 8 tuổi, rất thích ăn bánh cuốn vào buổi sáng. Một năm nay, Thuần luôn có hai hộp cà mèn trong cặp, một để bánh cuốn, một đựng nước mắm. Cậu bé không bao giờ chịu để người bán cho đồ ăn vào hộp xốp vì Thuần nói: “Hộp xốp là rác, hại môi trường mà”. “Thấy con nói đúng nên mình cùng với con thực hiện” - chị Lâm Ngọc Phước Thu, mẹ Thuần, tâm sự. Chị Thu kể có một hôm đến đón con ở trường tiểu học thuộc quận 10, chị nhìn thấy con lượm rác xung quanh mình. Cách đây vài hôm, Thuần nói với mẹ với vẻ rất vui: “Hôm nay con chỉ nhặt được hai mẩu rác thôi, hôm trước là năm mẩu, chứng tỏ trường con đã ít rác hơn trước”.

Chị Đoàn Cẩm Anh - mẹ cô bạn nhỏ lớp 2 tên Aqsa (ba Aqsa là người Pakistan) - kể Aqsa chẳng bao giờ muốn vứt những gì gọi là rác. “Mẹ hãy để dành thùng cactông đựng sữa, con sẽ làm tủ sách” - Aqsa nói với mẹ. Còn vỏ hộp sữa, cô bé làm chiếc ly... chạy cho em mình 3 tuổi chơi. Rồi Aqsa nói chuyện nhiều với mẹ về vòng tuần hoàn của nước, làm sao để có nước sạch... “Tôi vui vì Aqsa có những việc làm hay, có những nhận xét lạ từ những sự vật xung quanh” - chị Cẩm Anh nói.

Vào lớp Bajiko sẽ nhìn thấy ngay những tờ giấy lớn dán trên bảng, trên tường. Ngoài những hình vẽ thiên nhiên, cây cỏ, đó còn là những bảng đăng ký dễ thương: “Không mang rác đến lớp (Thuần)”, “Phải ăn hết cơm (Lâm)”, “Không dùng hộp xốp, muỗng nhựa (Phương)”...

Những “cam kết” tự nguyện được các bạn nhỏ thực hiện rất nghiêm túc. Nếu hôm nào có bạn mang rác (hộp xốp) vào lớp thì tất cả biến rác này thành đồ ủ đất trồng cây.

Trải nghiệm mới yêu môi trường

Lớp Bajiko khác với tất cả lớp học thường thấy khác.

Trong Bajiko có nhiều khu vực thú vị. Nơi là bình lọc nước với từng lớp cát, sỏi, than được thầy trò Bajiko làm thí nghiệm xem nước nào trong nhất. Nơi thì sắp hàng những hộp ủ cơm thừa, ghi chữ “Tùng 8 muỗng cơm gà”, “Thuần 3 muỗng cơm dư”, “Hương Anh 6 muỗng”... để làm phân bón cho cây.

Những giờ học ở Bajiko nhiều lúc kéo dài tưởng như không có chỗ dừng, khi các bạn nhỏ trong giờ nghiên cứu động thực vật hỏi những câu hỏi “vô tận” như thế này: Tai mực nằm ở đâu? Tại sao tai châu chấu nằm ở chân? Vì sao tai rắn nằm ở cổ? Con sâu có bao nhiêu cái chân?...

Có hôm cả thầy và trò cùng nhau nướng thịt heo, thịt gà thơm phức cả khu phố, vừa thưởng thức nóng vừa xuýt xoa “ngon quá”. Các loại thịt và rau mang vào từ Huế, nơi các bác nông dân nuôi và trồng với công nghệ sạch theo đặt hàng của những người mở lớp Bajiko.

Chuyện Thuần hay Aqsa, Tùng hay Hương Anh... quyết không mang rác đến lớp không phải vì thầy dặn như vậy, mà vì những trải nghiệm với vạn vật xung quanh giúp các bạn tự ý thức điều đó. Như câu chuyện ở nhà của Nhật Tân, 8 tuổi, được ba mẹ kể lại: vòi nước ở lavabo bị hư, không khóa chặt được khiến nước cứ rỉ ra từng giọt. Tân đi ra đi vào “tốn nước lắm, mẹ à”. Nhiều ngày trôi qua vẫn chưa thấy vòi được sửa, anh chàng khó chịu mãi. Một buổi chiều đợi mẹ đi làm về, Tân bê luôn cái hộp tiền cu cậu gom góp nhờ bán ve chai ra nói: “Con sẽ cho mẹ hết tiền trong này để mẹ mua vòi nước mới”. Lúc ấy cả nhà mới giật mình vì chuyện quyết liệt không chấp nhận phí nước của Tân.

Bajiko (tiếng Việt nghĩa là “rừng ước mơ”) do những người bạn làm việc ở Tổ chức cầu Nhật Bản - châu Á (Baj) cho ra đời cách đây gần hai năm, hiện có trên 10 giáo viên với hơn 40 học viên, vẫn chưa thu học phí. Ở Bajiko, quan sát đất, nước, con vật... không chỉ là tìm hiểu khoa học, ăn thịt nướng không chỉ là thưởng thức món ngon. Anh Huỳnh Huy Tuệ - người sáng lập Bajiko - chia sẻ: “Quan tâm đến nông dân là yêu môi trường, ăn sản phẩm của nông dân làm nghĩa là bảo vệ môi trường. Các bạn nhỏ đến Bajiko không phải đi tìm câu trả lời cho sự vật, hiện tượng mà là trải nghiệm cùng làm, cùng thất bại để rồi tự tìm thấy câu trả lời cho chính mình”.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên