07/06/2009 08:28 GMT+7

Cứu tầng nước ngầm, cứu lấy cuộc sống

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - “Nếu không có kế hoạch sử dụng hợp lý, không chú ý đến công tác bổ cập thì nguồn nước ngầm có khả năng chỉ khai thác được trong 30 năm nữa” - ông Huỳnh Lê Khoa, phó phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cảnh báo.

Nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng

Bài cuối:

EjkFSXrQ.jpgPhóng to
Khoan giếng khai thác nước ngầm tại một hộ dân trên đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. Một giếng khoan như thế này có giá 15 triệu đồng (ảnh chụp chiều 4-6) - Ảnh: Thuận Thắng

Bài 1: Đua nhau khoan giếng Bài 2: Ngày càng cạn kiệt, ngày thêm ô nhiễm

Theo ông Khoa, thời gian qua Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cùng các địa phương rất quan tâm đến tình hình khai thác nước ngầm. Tuy nhiên kết quả mang lại chưa như mong muốn. Tình trạng khai thác nước ngầm không xin phép vẫn còn xảy ra, một bộ phận người dân chưa ý thức tốt trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm.

Phải kiên quyết hơn

Năm 2007, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó kèm theo danh sách 29 phường thuộc 13 quận huyện nằm trong danh mục hạn chế khai thác nước ngầm. Quy định cũng phân công rõ trách nhiệm cho Sở Tài nguyên - môi trường và UBND các quận huyện, phường xã kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm... Theo ông Khoa: “Việc cấm và hạn chế người dân khai thác nước ngầm chủ yếu bằng hình thức vận động. Cán bộ chuyên ngành của sở và các quận huyện có hạn nên không thể quán xuyến hết”.

GS.TS Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, nhận định tình trạng sụt giảm, ô nhiễm nước ngầm đã có dấu hiệu gần mười năm qua nhưng chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngành chức năng. Công tác quản lý yếu kém làm cho tình trạng ngày càng trầm trọng thêm. Ông Bá dẫn chứng: lực lượng quản lý môi trường nói chung, quản lý về nước ngầm nói riêng từ cấp sở đến UBND quận, huyện đã yếu mà còn xử lý không nghiêm minh. Trong khi đó, các đơn vị khai thác nước ngầm quá mức phục vụ sản xuất lại đóng thuế tài nguyên nước quá ít. Từ những bất cập này, ông Bá cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn. Những khu vực nào đã đảm bảo cung cấp nước máy thì kiên quyết cấm khai thác nước ngầm.

Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy cho biết đã có quy định về những vùng, khu vực cấm và hạn chế khai thác nước ngầm. Đó là những vùng đã khai thác nước ngầm quá giới hạn, có mực nước sâu quá mức hoặc liền kề với các bãi rác thải. Ông Bảy khẳng định hiện cục đang hoàn chỉnh đề án “Bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các đô thị lớn” dự kiến cuối năm 2009 trình Chính phủ.

Kiểm soát ô nhiễm, xây hồ bổ cập nước

Theo ông Trần Văn Thanh - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Sóc Trăng, địa phương này đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn lập kế hoạch trám các giếng nước ngầm bị hư để tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm và thông tầng. GS.TS Lê Huy Bá cho rằng như vậy là chưa đủ để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Ông Bá nói ngoài việc quản lý chặt hơn, giúp người dân trám lấp giếng đúng kỹ thuật thì phải quan tâm đến chất lượng nước mặt. Chất lượng nước mặt là nguồn bổ cập tự nhiên cho nước ngầm, nước mặt ô nhiễm quá mức, tất yếu nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy việc hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm phải làm song song. Những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước mặt cục bộ phải có phương án xử lý tránh thẩm thấu xuống nước ngầm.

Ông Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Cần Thơ - cho biết tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), trong một nghiên cứu của Trường đại học Bochum (CHLB Đức) cho thấy mực nước ngầm khu vực này bị giảm 0,7m/năm do khai thác cho sản xuất công nghiệp. Dự báo đến năm 2014, các máy bơm ly tâm sẽ không còn hoạt động được do nước ngầm đã tụt quá sâu. Việc sụt giảm nước ngầm cũng có thể gây tình trạng sụt lún đất, cần phải dùng các biện pháp để phục hồi mực nước ngầm.

Ông Huỳnh Lê Khoa cho rằng vấn đề bổ cập nguồn nước ngầm vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng cá nhân ông đồng tình với chủ trương này. Ông Khoa đề xuất nên xây dựng các hồ nước lớn vừa phục vụ tưới tiêu (nông nghiệp) vừa bổ cập cho nguồn nước ngầm. Tại TP.HCM, dòng chảy nước ngầm từ tây bắc về hướng nam. Do đó, khu vực huyện Củ Chi là khu vực đầu nguồn, có thể xây dựng những hồ chứa nước.

GS.TS Lê Huy Bá cho rằng đã đến lúc vấn đề bổ cập cho nước, xử lý ô nhiễm phải được nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc, nên tổ chức hội thảo bàn về giải pháp tái tạo nguồn nước. Nếu không, tới thời điểm nào đó chẳng những nguồn tài nguyên này không còn để khai thác mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.

Tây nguyên: không nên vắt kiệt nước ngầm cho sản xuất

Trong báo cáo đánh giá việc sử dụng hợp lý nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây nguyên, GS.TS Ngô Đình Tuấn (Đại học Thủy lợi Hà Nội) lưu ý: những năm gần đây rừng Tây nguyên bị chặt phá nặng nề, cộng với những yếu tố bất lợi như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của khí hậu làm lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn.

Ở Tây nguyên, người dân đang tận lực khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà phê, hoa màu khiến mực nước dưới lòng đất bị hạ thấp, dẫn đến quá trình sản xuất tại các vùng hạ lưu gặp khó khăn do thiếu nước.

Do đó, Tây nguyên phải sớm có quy hoạch sử dụng tài nguyên nước một cách đồng bộ và nề nếp. Tránh khai thác vô tổ chức, cần tính toán và quan tâm đến vấn đề cân đối khả năng lượng nước có thể khai thác của các vùng, các đơn vị sử dụng nguồn nước trên địa bàn. Riêng nước ngầm phải ưu tiên cho nhu cầu dân sinh, chứ không thể tìm cách vắt kiệt cho sản xuất nông nghiệp (nhất là tưới cà phê) tràn lan và không kiểm soát được như hiện nay.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên