Theo các chuyên gia về vận tải và môi trường, so với động cơ diesel, nguồn khí độc hại thải ra môi trường của động cơ CNG giảm đáng kể và giá thành sử dụng nhiên liệu sạch này chỉ bằng 60% so với sử dụng dầu diesel. Cụ thể, khí hydro carbon chỉ còn 35%, nitrogen oxide 62%, carbon oxide 9%.
Khí nén thiên nhiên CNG sẽ được dùng đại trà Tháng 7 sẽ có xe buýt chạy khí
Từ năm 2008 đến nay, ngành giao thông TP.HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, nói chuyện chuyên đề để khuyến khích đầu tư, phát triển loại phương tiện sử dụng nhiên liệu CNG. Đại diện Sở GTVT TP cho rằng sẽ có ưu đãi về vốn, thuế... để đầu tư phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch này. Thậm chí đơn vị quản lý nhà nước về giao thông còn đề nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp giữ lại một phần chênh lệch chi phí về nhiên liệu giữa dầu diesel và CNG cho đến khi bù đắp được phần đầu tư ban đầu để mua xe.
Thế nhưng hai chiếc xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch được đưa vào vận hành thử nghiệm gần một tháng đang có nguy cơ “xếp kho”. Ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP (đơn vị sở hữu một trong hai xe buýt chạy CNG), cho biết chiếc xe buýt được đưa vào vận hành từ ngày 5-5 có thể dừng chạy vì không có CNG. Đơn vị cung cấp CNG cho rằng nếu cung cấp CNG cho hai xe thì không đủ trả chi phí cho nhân công, chứ đừng nói đến việc vận hành trạm bơm.
Từ đầu tháng 5, hợp đồng liên kết kinh doanh khai thác trạm cấp khí CNG đã được chi nhánh Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (bên A) đưa cho Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP (bên B) để ký hợp đồng.
Thế nhưng bên B không... can đảm ký vì theo điều khoản của hợp đồng, bên B phải cam kết đảm bảo sử dụng lượng CNG cung cấp cho tối thiểu 20 xe buýt đến ngày 1-7 và phải cam kết chuyển đổi xe buýt dùng CNG tăng theo lộ trình, tăng số lượng xe hằng năm (theo kế hoạch, dự kiến hai năm sau số xe sử dụng CNG phải xấp xỉ 500 xe). Chưa hết, bên A còn có quyền phạt bên B khoản tiền tương đương 8% giá trị khối lượng CNG mỗi tháng nếu không mua hàng như thỏa thuận.
Theo ông Phùng Đăng Hải, giá thành CNG rẻ hơn dầu diesel nên nhiều người cũng muốn đầu tư chuyển đổi loại xe này. Tuy nhiên, do Sở Tài chính TP tuyên bố nếu chạy xe bằng CNG thì chỉ được tính trợ giá bằng số tiền sử dụng nhiên liệu này chứ không được tính bằng giá dầu diesel nên không ai chịu đầu tư xe buýt “sạch”.
Ông Hải cho rằng một chiếc xe buýt mới sử dụng CNG có giá 1,8-2 tỉ đồng (xe cũ khoảng 900 triệu đồng), nếu không được hưởng phần chênh lệch chi phí về nhiên liệu thì chẳng ai dại gì bỏ tiền đầu tư xe mới.
Nếu Nhà nước có chính sách đảm bảo cho nhà đầu tư hưởng lợi từ việc đầu tư xe chạy bằng nhiên liệu sạch như được hưởng chênh lệch giữa giá dầu diesel và giá CNG trong vài năm để bù đắp phần nào tiền bỏ ra đầu tư xe mới, lộ trình tăng lượng xe sử dụng nhiên liệu sạch như cam kết với đơn vị cung cấp CNG hoàn toàn có khả năng thực hiện được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận