15/04/2010 08:00 GMT+7

Thêm một "Vedan" đầu độc môi trường

MINH QUANG - TUẤN PHÙNG
MINH QUANG - TUẤN PHÙNG

TT - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C36) vừa bắt quả tang một vụ xả thải trái phép tại nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Bắt quả tang Tung Kuang xả thải chưa xử lý qua ống ngầm

UciumQXG.jpgPhóng to
Đường ống ngầm xả thải chưa qua xử lý được ngụy trang dưới lớp ximăng này - Ảnh: Minh Quang
7m971S7x.jpgPhóng to
Đường ống xả chất thải chưa qua xử lý giấu dưới lòng đất đã bị phát hiện - Ảnh: M.Q.

Đại tá Lương Minh Thảo, phó cục trưởng C36, cho biết đây là một vụ xả thải ra môi trường có tính chất nghiêm trọng, tương tự vụ Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai).

Ngụy trang... dưới lòng đất

Không biết sự việc?

Theo ông Lưu Kiến Lâm - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang, nhà máy hoạt động từ năm 2002 nhưng năm 2004 ông mới sang làm việc và hoàn toàn không biết sự việc này. Mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 5.000 tấn khung nhôm định hình. Hiện tại Tung Kuang có ba nhà máy tại VN (hai ở Đồng Nai, một ở Hải Dương). Ông Lâm nói hành vi vi phạm đến đâu, công ty sẽ chịu trách nhiệm đến đó theo quy định của pháp luật VN.

Để khám phá và bắt quả tang hành vi xả trộm nước thải chưa xử lý của Tung Kuang, các trinh sát của C36 đã tiến hành nắm tình hình từ ba tháng trước. Khoảng 20g30 ngày 13-4, các trinh sát bất ngờ ập vào nhà máy, bắt quả tang công nhân Nguyễn Quang Chiến đang vận hành hai máy bơm tại khu xử lý nước thải để bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Đại tá Lương Minh Thảo cho biết nhà máy có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động, phần lớn nước thải chưa xử lý bơm qua đường ống ngầm ra sông. Trong đó có nhiều chất thải nguy hại như chrome 6 vượt tiêu chuẩn nhiều lần hay sắt, mangan...

Qua kiểm tra ban đầu, C36 xác định đường ống nước thải từ nhà máy ra khu xử lý được phân làm hai nhánh, một nhánh chảy vào khu xử lý và một nhánh không qua xử lý (để đường ống hở, khi bơm mới đấu nối) chạy ngầm dưới lòng đất nối vào đường ống đi ngầm ra sông Cầu Ghẽ, cách nhà máy khoảng 300m.

Trong cả ngày 14-4, C36 cùng các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục kiểm tra toàn bộ hệ thống xử lý nước thải và bước đầu xác định hệ thống nước thải chủ yếu của nhà máy xuất phát từ hai xưởng xi mạ và xưởng khung nhôm định hình được bơm chảy vào bể chứa của hệ thống xử lý. Nếu thực hiện vận hành đúng quy trình, nước thải bẩn sẽ phải chảy qua các bể lắng, bể xử lý hóa chất, bể than hoạt tính để đảm bảo nước thải khi chảy ra môi trường không chứa các hóa chất vượt quá mức quy định.

Vào năm 2003, khi nhà máy khánh thành đưa vào hoạt động, Công ty Tung Kuang khẳng định đây là hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại nhất miền Bắc. Tuy nhiên khi kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, hầu hết bể xử lý hóa chất, bể lắng, bể than hoạt tính đều trong tình trạng gần như khô kiệt.

Sau khi xác định được vị trí đường ống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý nằm ngay dưới nền bêtông cạnh tủ điều khiển của hệ thống xử lý nước thải, C36 đã cho người khoan cắt bêtông, đào lần theo đường ống ngầm này. Sau thời gian đào bới từ trưa cho đến đầu giờ chiều, đường ống ngầm bằng ống nhựa đường kính 110mm lộ rõ: nhà máy đã cho lắp đặt một đường ống ngầm đấu với đường ống hở tại bể chứa nước thải ban đầu để bơm trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông.

Đến chiều tối 14-4, C36 phải sử dụng máy xúc để đào sâu xuống lòng đất lần theo đường ống này. Sau khi đào sâu xuống 3m, đường ống ban đầu được đấu vào một đường ống lớn có đường kính 50cm, chôn sát tường rào của nhà máy dẫn tới đường xả ra môi trường.

4Vsbk1BU.jpgPhóng to

Tại miệng xả nước thải ra sông Cầu Ghẽ luôn đục ngầu vì cặn chất thải - Ảnh: M.Q.

Nhiều hóa chất độc hại

Tại khu vực sông Cầu Ghẽ (cách cầu Ghẽ trên quốc lộ 5 khoảng 100m) - nơi họng cống xả nước thải của nhà máy Tung Kuang được thiết kế nằm thấp hơn mặt nước sông khoảng 60cm - luôn xuất hiện một vùng nước có màu trắng đục của cặn thải. Mỗi khi nhà máy xả nước, miệng cống nổi bọt như bọt xà phòng lan trắng xóa cả mặt sông. Theo anh Nguyễn Xuân Huân (người dân xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng), hiện tượng này xuất hiện từ nhiều năm nay.

Trung tá Lê Quang Đồng, phó phòng 2, C36, nhận định bể chứa thu gom nước thải của Tung Kuang khoảng 500m3. Theo công suất thiết kế, mỗi ngày nhà máy thải ra sông Cầu Ghẽ 250m3. Nước thải chưa qua xử lý được bơm thường xuyên qua hệ thống đường ống ngầm, mỗi ngày 1-2 lần, chủ yếu vào ban đêm. Nếu không xử lý nhiều hóa chất độc hại như chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), mangan, sắt... đều có nồng độ vượt quy định sẽ xâm nhập nguồn nước.

Thừa nhận với C36, công nhân Nguyễn Quang Chiến cho biết việc không vận hành hệ thống nước thải là do chỉ đạo của công ty. Theo nhận định của một cán bộ có trách nhiệm của C36, sử dụng đường ống ngầm xả chất thải chưa qua xử lý, nhà máy có thể “tiết kiệm” 300-500 triệu đồng/tháng. Nhiều khả năng đường ống ngầm hoạt động từ năm 2009 tới nay. Hiện C36 đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm rõ thành phần hóa chất trong nước thải cũng như khối lượng nước thải chưa qua xử lý mà Tung Kuang xả trực tiếp ra môi trường.

Ngay sau khi bắt quả tang vụ xả thải tại nhà máy Tung Kuang, đại tá Lương Minh Thảo đã làm việc với Xí nghiệp kinh doanh nước sạch số 1 (Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương) - nằm cách vị trí Tung Kuang xả nước thải ra sông Cầu Ghẽ hơn 200m về phía thượng nguồn.

Ông Bùi Hữu Thắng - giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch số 1 - cho biết nhà máy có công suất thiết kế 5.000m3/ngày đêm, lấy nước mặt sông Cầu Ghẽ xử lý theo công nghệ lắng lọc và cung cấp nước cho khoảng 3.000 hộ dân và các cơ quan nhà nước trong khu vực. Tuy chưa xác định được cụ thể mức độ ảnh hưởng của chất thải từ nhà máy Tung Kuang đến nguồn nước sông nhưng theo ông Thắng, trong thời gian gần đây chất lượng nước mặt lấy từ sông Cầu Ghẽ ngày càng kém hơn.

MINH QUANG - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên