25/02/2009 07:31 GMT+7

Bài học từ cái chết của sông Tùng Hoa

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thông báo về dự án cho Trung Quốc vay 200 triệu USD để cải thiện chất lượng nước sông Tùng Hoa. Con sông được coi là thảm kịch môi sinh, vốn được ví như một vụ Chernobyl hóa chất.

dVqVK6bV.jpgPhóng to
Vào tháng 11-2005, nước sinh hoạt bị cắt nên người dân TP Cáp Nhĩ Tân phải đổ xô đi mua nước đóng chai - Ảnh: Reuters

Sông Tùng Hoa chảy qua Cát Lâm, chảy vào Hắc Long Giang và thành sông Amur ở Nga, thành đường biên giới với Nga. Con sông bị ô nhiễm nặng nề bởi hóa chất, kim loại nặng và các chất thải gây độc hại khác. Nước thải không được xử lý từ các nhà máy đổ thẳng ra sông trong sự “im lặng” của người trong cuộc, dù con sông này là nguồn nước uống của 9,4 triệu cư dân các thành phố phía đông bắc Trung Quốc là Hắc Long Giang và Cát Lâm.

Thảm kịch hóa chất

Ngày 13-11-2005, vụ nổ ở Công ty hóa dầu Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm làm ít nhất tám người thiệt mạng, 70 người bị thương, gây thiệt hại vật chất trực tiếp lên tới gần 9 triệu USD. Nhưng khủng khiếp hơn là vụ nổ đã khiến khoảng 100 tấn chất benzen độc hại tràn xuống sông Tùng Hoa.

Thảm kịch này mới thật sự là giọt nước làm tràn ly khiến người dân địa phương cũng như chính quyền thức tỉnh. Tám ngày sau đó, dải độc chất benzen và nitrobenzene (chất gây ung thư, ngay cả với liều lượng nhỏ) dài đến 80km đã chảy vào TP Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, buộc chính quyền phải cắt nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 3,8 triệu dân thành thị. Hàm lượng benzen trong nước sông Tùng Hoa cao hơn 108 lần hàm lượng an toàn theo tiêu chuẩn quốc gia.

Ngày 25-1-2006, Công ty hóa dầu Cát Lâm bị phạt tương đương 125.000 USD vì đã gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Tùng Hoa. Mức phạt này là cao nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc đối với một công ty vì tội gây ô nhiễm. Từ sự kiện này, tổ chức dân sự đã tham gia giải quyết các vấn đề mà chính quyền không thể gánh vác hết. Khi ấy, nhiều cư dân địa phương tập hợp trong nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) về môi trường để đi kiện thay cho dòng sông không biết nói. “Chernobyl Tùng Hoa” cũng khiến giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường quốc gia phải từ chức vì những sai sót trong phát hiện cũng như xử lý vụ rò rỉ chất độc.

Muộn còn hơn không

Trang web Socialistworld.net đã so sánh vụ Tùng Hoa với Chernobyl, thảm kịch năm 1986 ở nhà máy điện nguyên tử tại Liên bang Xô viết cũ nay thuộc Ukraine. Ngoài tương đương về tác hại khủng khiếp trên diện rộng, hai vụ này còn được so sánh về tính “che đậy bưng bít thông tin”, “xử lý chậm chạp” của chính quyền khi sinh mạng người dân lâm nguy, và hình ảnh đất nước trở nên xấu hơn sau những khủng hoảng như vậy.

Trong khi các nhà môi trường gọi đây là “vụ tự sát sinh thái”, báo chí Trung Quốc khi đó đã chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của chính quyền đối với thảm họa này. Ban đầu lãnh đạo nhà máy gây ra vụ nổ hóa chất cho rằng sẽ không gây hậu quả gì. Còn truyền thông chỉ tập trung hầu hết ở Cáp Nhĩ Tân, mà gần như không có thông tin gì về ảnh hưởng của vụ nổ tới các TP và địa hạt ở tỉnh Cát Lâm.

Một trong những vấn nạn mà nhiều quốc gia đang phát triển gặp phải là việc dốc lực cho cuộc chạy đua để đạt được các chỉ số tăng trưởng kinh tế do mình tự đặt ra, bất chấp hậu quả môi sinh. Nạn nhân tức thời và lâu dài của ô nhiễm môi sinh đó chính là người dân quốc gia đó và cả cư dân các quốc gia lân bang như Nga trong trường hợp vụ sông Tùng Hoa.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên