Phóng to |
Sông Tùng Hoa bị nhiễm chất benzen - Ảnh: Sina.com |
Ngày 13-11-2005, vụ nổ hóa chất xảy ra ở Nhà máy hóa dầu Cát Lâm tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, làm tràn khoảng 100 tấn chất benzen độc hại xuống sông Tùng Hoa. Nghiêm trọng hơn, tám ngày sau đó dải benzen dài đến 80km lừ lừ chảy vào thành phố Cáp Nhĩ Tân, buộc chính quyền phải cắt nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 3,8 triệu dân thành thị trong năm ngày từ ngày 22-11. Trong thông báo đăng trên trang web, Cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Sau khi vụ nổ tại nhà máy hóa chất, trạm kiểm soát ở Cát Lâm phát hiện hàm lượng benzen trong nước sông Tùng Hoa cao hơn 108 lần hàm lượng an toàn theo tiêu chuẩn quốc gia”.
Bà Trương Lan Anh, giám đốc Viện Tài nguyên và môi trường thuộc Trường đại học Cát Lâm, nói rằng chỉ cần uống nước nhiễm một chút benzen cũng có thể gây bệnh nhiễm mủ đường miệng. Một lượng lớn benzen có thể dẫn đến rối loạn tế bào máu, tức là bệnh bạch cầu. Vào thời điểm đó, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ chính phủ cho biết Cáp Nhĩ Tân cần 1.400 tấn than hoạt tính để lọc nước sông Tùng Hoa, nhưng số than có sẵn chỉ là 700 tấn. Nhiều người dân đã nhốn nháo đi mua nước đóng chai dự trữ. Ai có can dùng can, ai có bình dùng bình, kể cả dùng bồn tắm để trữ nước.
Đi kiện đòi lại môi trường cho dòng sông
Phóng to |
Cá chết vì nhiễm độc benzen trong nước sông Tùng Hoa - Ảnh: China Daily |
Ngày 29-11-2005, bà Hồ Diễm Hồng, chủ nhà tắm công cộng Thanh Minh ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, đến Công ty luật Cao Thịnh để tư vấn pháp lý. “Không có nước sinh hoạt, phòng tắm công cộng nhà tôi phải đóng cửa mấy ngày nay khiến tôi mất mỗi ngày 7.000 tệ” - bà bức xúc nói với phóng viên Thời báo Kinh Tế Trung Quốc.
Luật sư Lưu Hồng Phát ở Công ty luật Cao Thịnh cho biết sau sự cố nổ nhà máy hóa chất ở Cát Lâm, nhiều chủ nhà hàng, nhà tắm công cộng và tiệm rửa xe đã đến công ty để tư vấn đi kiện. “Luật bảo vệ và quản lý ô nhiễm nước và Luật bảo vệ môi trường của Trung Quốc đều ghi rõ mọi nạn nhân ô nhiễm, dù là cá nhân hay đoàn thể, đều có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại, và các công ty gây ô nhiễm phải trả cho những thiệt hại đó” - Hồ Phong Bình, giám đốc Công ty luật Cao Thịnh, khẳng định.
Tổng cộng có 17 doanh nghiệp và ba cá nhân cùng nộp đơn kiện Công ty hóa dầu Cát Lâm (chi nhánh của Tổng công ty xăng dầu PetroChina), yêu cầu công ty này phải làm sạch nước sông Tùng Hoa và bồi thường những tổn thất họ gánh chịu.
Ông Hồ Phong Bình nói Công ty hóa dầu Cát Lâm đã làm ô nhiễm sông Tùng Hoa trong nhiều năm. “Tai nạn nổ nhà máy là tiếng chuông cảnh tỉnh, hối thúc chính quyền trung ương phải đưa việc di dời cơ sở này lên bàn nghị luận để xem xét”. Ông cũng khẳng định việc bồi thường không phải là chuyện quan trọng. “Quan trọng nhất là từ bây giờ nước chúng tôi uống phải là nước sạch. Dù bồi thường kiểu gì, tiền hay vật chất, cũng phải làm nước sạch”.
Theo BBC, việc nhiều doanh nghiệp và cá nhân kiện Công ty hóa dầu Cát Lâm là hành động pháp lý đầu tiên sau vụ nổ và là chuyện khá hiếm ở Trung Quốc, vì ít khi có trường hợp kiện công ty nhà nước để đòi bồi thường liên quan đến môi trường. Gần một tháng sau, lại có thêm nhiều học giả tham gia vụ kiện. Giáo sư Uông Kình ở Trường đại học Bắc Kinh nộp đơn kiện đòi bồi thường 10 tỉ nhân dân tệ (1,25 tỉ USD) để trả lại môi trường trên sông Tùng Hoa. Ngoài ra, ba giáo sư và ba nghiên cứu sinh khác của khoa môi trường Trường đại học Bắc Kinh đã thay mặt sông Tùng Hoa, một loài cá và một hòn đảo trên sông này để kiện Công ty hóa dầu Cát Lâm.
Ngày 25-1-2006, Công ty hóa dầu Cát Lâm bị phạt 1 triệu nhân dân tệ (125.000 USD) vì đã gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Tùng Hoa. Đây là mức phạt cao nhất dành cho một công ty vì tội gây ô nhiễm. Theo Thanh Niên Nhật Báo, Trung Quốc rất hiếm khi áp dụng mức phạt tối đa này. Cục Bảo vệ môi trường nói Công ty hóa dầu Cát Lâm đã vi phạm Luật bảo vệ môi trường và hai điều trong luật bảo vệ và quản lý ô nhiễm nước.
Luật và NGO
Các chuyên gia cho rằng phạt như vậy vẫn còn quá nhẹ so với những tổn thất mà vụ nổ nhà máy hóa chất gây ra. Qua vụ việc này, báo chí Trung Quốc được dịp soi lại luật của Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, Luật bảo vệ môi trường đã không được thay đổi kể từ năm 1989. Nhiều người phàn nàn nó quá “mềm” với các mức phạt quá thấp. Một số công ty thà nộp phạt với mức rẻ còn hơn cải thiện hệ thống quản lý ô nhiễm. Ngoài ra, các công ty chỉ bị phạt một lần đối với một sự cố ô nhiễm trong một khoảng thời gian. Các chuyên gia kêu gọi thiết lập một hệ thống mới, theo đó các công ty bị phạt cho mỗi ngày phạm luật.
Trước tình hình này nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) môi trường đã ra đời. Họ được Chính phủ Trung Quốc cấp phép và khuyến khích tham gia các cuộc chiến môi trường. Kể từ khi “Những người bạn của thiên nhiên”, NGO môi trường đầu tiên ra đời ở Trung Quốc năm 1994, đến nay đã có hơn 2.000 NGO môi trường hoạt động ở Trung Quốc. Các tổ chức này tập trung trong ba lĩnh vực chính. Họ tìm cách nâng cao nhận thức và hướng dẫn cộng đồng, khuyến khích công chúng tham gia và vận động chính phủ về các chính sách bảo vệ môi trường. Họ cũng kiểm soát những gì đang xảy ra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, và giúp các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường. Trong nhiều vụ kiện môi trường, các NGO đã giành phần thắng cho nạn nhân.
Trong bối cảnh “chính quyền các cấp đặt ưu tiên phát triển kinh tế mà không chú trọng bảo vệ môi trường là chuyện phổ biến, thậm chí còn hi sinh cả môi trường để đạt tăng trưởng GDP” như báo China Daily bình luận, sự có mặt của các NGO đã giúp người dân Trung Quốc tìm thấy sự ủng hộ. Họ có thể chưa yên tâm vì môi trường vẫn bị làm ô nhiễm, nhưng ít nhất họ có thể yên tâm đi kiện các công ty làm sai.
Có lẽ vì mức phạt quá nhẹ mà sông Tùng Hoa không phải là con sông duy nhất ở Trung Quốc bị ô nhiễm vì hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2004, sông Hoài, con sông lớn thứ sáu ở Trung Quốc, bị ô nhiễm nặng, buộc Cục Bảo vệ môi trường đóng cửa 52 nhà máy gây ô nhiễm trên sông. Nhưng có những con sông khác bị ô nhiễm mà người phải trả giá không ai khác là cư dân sống ở hai bên bờ sông. Phần lớn sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, đã ô nhiễm đến mức “không thể cứu vãn”. Các chuyên gia cho rằng chất thải công nghiệp, ô nhiễm nông nghiệp và chất thải từ tàu thuyền là nguyên nhân khiến tình trạng sông tồi tệ đi. Hoàng Hà, con sông dài thứ hai Trung Quốc, cũng quá bẩn không thể uống nước hoặc bơi lội trên đó, theo Tân Hoa xã. |
----------------------
Kỳ tới: “Nguồn nước ngọt” của Coca Cola
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận