Ám ảnh thí điểm từ việc dừng chương trình CambridgeDừng chương trình Cambridge: đưa học sinh ra "thí nghiệm"?
Phóng to |
Tiết học tiếng Anh chương trình Cambridge của học sinh lớp 3/2 trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Quận 1 TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Nghe bạn hỏi, chúng tôi không khỏi giật mình để nhìn lại mình. Ừ nhỉ, bỗng dưng ở đâu ra cái cách chưa có đầy đủ thông tin nhưng đã vội phán xét theo chiều hướng xấu?
Phải thừa nhận một điều, nhiều người dân nước mình bây giờ đều vậy cả. Thấy báo đăng tin một con đường mới làm xong đã bị lún, ngay lập tức nghĩ liền, nói liền đến hai chữ “rút ruột”. Tại sao không nghĩ rằng nó lún vì xe quá tải, vì nền địa chất yếu, vì trình độ của người kỹ sư thi công, thiết kế hạn chế... mà lại nghĩ ngay đến tiêu cực?
Tương tự, thấy một con đường uốn cong là nghĩ ngay đến chuyện né nhà quan. Thấy một công chức khá giả là nghĩ ngay đến tham nhũng... Thậm chí, thấy con bị điểm thấp cũng nghĩ ngay đến chuyện thầy cô cố tình trù ếm con mình để vòi vĩnh phong bì, mà không chịu rà soát xem con mình học hành thế nào. Hay một bệnh nhân, đưa vào bệnh viện mà không thấy bác sĩ ra vồ vập săn đón, là ngay lập tức nghĩ đến chuyện vì mình chưa dấm dúi, mà không chịu nghĩ rằng có thể do người thân mình bệnh nhẹ nên bác sĩ phải ưu tiên cho người bệnh nặng hơn...
Tuy nhiên, cũng đừng trách vì sao dân ta bây giờ phần nhiều lại đeo cặp kính đen nên nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. Đơn giản bởi có quá nhiều chuyện đã xảy ra, quá nhiều hiện tượng không thể giải thích được không thể nghĩ khác được đã đập vào mắt, vào tai mọi người. Và lớn hơn tất cả, đó là ai cũng thấy nhiều cán bộ công chức của ta nhận đồng lương èo uột nhưng nhà cao cửa rộng, con cái đi du học hà rầm. Thế tiền ấy ở đâu ra?
Vừa rồi, theo dõi Quốc hội, tôi thấy đại biểu Đỗ Văn Đương - ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội - nói rất thẳng và rất hay: “Khi bắt đầu công tác anh khai lý lịch là con bần nông, tài sản không có gì. Vậy mà tự nhiên qua mấy chục năm công tác lại có khối tài sản lớn thì nó ở đâu ra, khi thừa kế thì không có, kinh doanh, sản xuất thì không... Chỉ có làm giàu bất chính bằng con đường quyền lực”.
Muốn người dân tin trở lại, suy nghĩ bình thường trở lại thì mọi chuyện phải công khai minh bạch. Công khai minh bạch từ chuyện thu nhập, chuyện con cái đi du học, chuyện vợ con đứng tên biệt thự, xe hơi... Nói đâu xa, làng giáo viên đang xầm xì chuyện con một sếp đi du học Anh là quà tặng sau một chương trình được ký kết. Chuyện cậu ấm đi du học Anh là có thật, nhiều người biết và phụ huynh cũng không giấu. Nhưng lỡ cậu ấm học rất giỏi, có học bổng thì có phải oan ức không? Muốn rửa oan, chỉ có cách công khai; còn không, chả trách được thiên hạ suy luận theo chiều hướng tiêu cực.
Làm cho mọi việc không còn tù mù, giúp người dân lấy lại niềm tin, không còn phản ứng một cách bất thường trước mọi thông tin, có gì khó đâu mà sao chẳng làm được nhỉ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận