01/05/2014 05:48 GMT+7

"Thần tốc" ở Sam Lang

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Thật lòng sau khi câu chuyện về những thầy trò ở Sam Lang phải chui túi nilông vượt suối ngày lũ gây chấn động dư luận và Bộ GTVT quyết định sẽ xây tặng một cây cầu cho bà con Sam Lang, chúng tôi không dám nghĩ là sẽ có cây cầu trước mùa mưa lũ năm nay.

Cũng thế, khi đi khảo sát xây dựng điểm trường ở Sam Lang, không ai dám nghĩ sẽ xây xong trong vài tháng vì đường vận chuyển vật liệu vào tới bản quá gian nan, trong khi số ngôi nhà phải xây lên đến ba căn: hai căn làm lớp học và một căn làm nơi ở cho thầy cô giáo.

Và chúng tôi càng không nghĩ đến ôtô có thể chạy vào tới tận sân điểm trường Sam Lang khi mà trước đây đi bằng xe máy đã vô cùng vất vả với những dốc cua hẹp và gắt, một bên là vách núi, một bên là vực sâu.

Cả ngôi trường, cây cầu và con đường ôtô vào tận Sam Lang thật sự khiến nhiều người từng quan tâm tới câu chuyện này thời gian qua bất ngờ bởi chỉ một tháng mà thỏa ước mơ của nhiều năm nay.Nhưng có vào đây những ngày này, sẽ hiểu không có gì bất ngờ nếu tất cả đều làm với tốc độ thần tốc của những tấm lòng.

Chúng tôi đã ở với những chiến sĩ đồn biên phòng Nà Hỳ vào đây cùng với dân bản xây dựng trường. Bữa cơm cùng anh em trong căn lán che bạt nóng bức, ruồi khoang đốt chi chít, thiếu tá đồn trưởng Phương Công Quý bảo: Trường xây nhanh là nhờ có dân, dân san đất, cùng bốc gạch, ximăng, phụ giúp, lo lắng cho những người lính. Hôm trước vào đây, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông dân tộc Mông vừa địu cháu trên lưng vừa phụ bốc gạch cùng anh em biên phòng. Hình ảnh ấy cho thấy người dân mong mỏi đến thế nào nên anh em quyết tâm làm hết tốc lực, không quản giờ giấc. Ngôi trường xây xong, ngay chính những người lính xây trường cũng bất ngờ vì hôm bắt đầu khảo sát, nhìn đường sá như vậy chỉ nói chuyện xây được đã khó, nói gì xây nhanh và xây đẹp.

Cũng thế, không ai nghĩ cây cầu treo qua suối Nậm Pồ đã hoàn thành trong thời gian chưa đến một tháng. Ngoài chuyện con đường vận chuyển khó khăn, những nguyên vật liệu lắp ráp cho cây cầu này phải chuyển từ nhà máy tận Quảng Ninh, lên tới đây phải đi quãng đường dài gần 1.000km! Những anh em công nhân lắp cầu cũng bảo: Chưa có công trình nào mà điều kiện ăn ở sinh hoạt khó như công trình này, nhưng dân bản nghe có cầu vui quá, ai cũng quan tâm, có chút gì quà rừng đều mang ra cho, vậy là anh em làm quên mệt. Giám đốc Sở GTVT Điện Biên Nguyễn Đình Giang cứ mỗi tuần lại vào ra hơn 300km giữa thành phố Điện Biên Phủ và công trường cầu Sam Lang để kiểm tra, đôn đốc tiến độ. Và dĩ nhiên, con đường là hệ quả của hai công trình kia: đường phải san ủi đủ rộng, thi công khẩn trương để ôtô vận chuyển nguyên vật liệu cho công trình, nhờ vậy mà dân bản có luôn đường ôtô vào bản.

Câu chuyện “tốc độ” của các công trình Sam Lang có vẻ hơi “bất thường” giữa sự chậm chạp cố hữu lâu nay trong việc xây dựng các công trình, dù lớn hay nhỏ? Vì sao những công trình này có thể hoàn thành nhanh đến thế? Đây hoàn toàn không hề là những công trình chạy theo tiến độ để “lập thành tích” rồi sau đó là chuyện khắc phục những sai sót như thường thấy.

39 năm trước, những ngày này đất nước có cuộc trùng phùng đoàn viên từ những đoàn quân “thần tốc”. Câu chuyện “thần tốc” ở bản nhỏ Sam Lang có lẽ cũng bắt đầu như thế: Khi chúng ta dốc lòng tận tụy vì niềm mong mỏi của người dân, hết lòng lo cho dân với quyết tâm thật sự quyết liệt, chắc chắn sẽ làm nên sự thần tốc cho quê hương xứ sở!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên