20/04/2014 06:00 GMT+7

Asiad, sởi và sự minh bạch

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Thoảng qua giường bệnh đã đủ lây, khi con trẻ bị lên sởi, mấy ai còn quan tâm định nghĩa thế nào là dịch, thế nào là thông báo hay công bố dịch. Nếu có dịch sởi, người ta mong đợi Bộ Y tế hành động để dập tắt dịch bệnh.

Cung cấp kịp thời thông tin cho người dân là trách nhiệm của bộ này.

Hoặc thiếu thông tin, hoặc không nhận biết được tính nguy hiểm của các chỉ báo, hoặc vô cảm trước 118 ca tử vong (tính đến ngày 19-4) trong một thời gian ngắn, thật đáng tiếc Bộ Y tế đã phản ứng thật thụ động.

Dường như chỉ đến khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và báo chí thúc ép, Bộ Y tế mới thông báo đã và đang có dịch sởi.

Cách hành xử này không thể gọi là chuyên nghiệp, bởi còn gì quý hơn tính mạng con người, bất an về bệnh dịch có thể mau chóng gây nhốn nháo xã hội.

Cách hành xử này cũng không thể gọi là có trách nhiệm, bởi người dân mong Bộ Y tế đưa ra các giải pháp và can thiệp cụ thể nhằm dập dịch hơn là xác nhận một sự đã rồi.

Từ ngăn ngừa và dập tắt dịch sởi tới đánh giá trách nhiệm của Bộ Y tế, muốn làm được những điều ấy người dân cần có quyền được biết thông tin.

Ngược lại, cung cấp thông tin là nghĩa vụ của chính quyền. Càng minh bạch, càng tăng đối thoại và giải trình rõ ràng hơn với các ý kiến phản biện của người dân, chính quyền càng tránh được những chính sách sai lầm, và vì thế càng được lòng dân hơn.

Việc Chính phủ mới đây rút đăng cai Asiad 18 là một quyết định hợp lòng dân. Khi bệnh viện la liệt người nhà bệnh nhân, khi học sinh miền núi chui vào túi nilông mỗi lần vượt sông đến lớp, Bộ VH-TT&DL sẽ thuyết phục dân chúng ra sao khi vung tiền ngân sách đăng cai tổ chức Asiad trong khi còn chưa biết thực tế sẽ tốn kém ra sao.

Nếu dự án tiêu tiền ngân sách ấy sớm được minh bạch, nếu Bộ VH-TT&DL phải điều trần, nếu mọi ý kiến phản biện của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & đầu tư đều được sớm công khai trước đăng cai, chắc chắn mọi chuyện đã không phức tạp như vừa qua.

Tuy nhiên, Asiad 18 chỉ là một trong hàng chục nghìn dự án đầu tư công mỗi năm. Tăng trưởng của nước ta phần nhiều bởi đầu tư, nhất là bởi đầu tư của chính quyền các cấp.

Tỉnh nào, cấp nào cũng muốn ghi điểm GDP tăng trưởng, đầu tư công dàn trải và không hiệu quả cũng như một dịch bệnh, cần phải chặn đứng.

Muốn vậy, phải cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời để người dân được biết, được bàn, và khi cần cũng được quyền phản đối những dự án đầu tư kém hiệu quả từ tiền ngân sách.

Chính quyền, kể cả những chính quyền thông thái nhất, cũng không bao giờ thông thái hơn toàn thể nhân dân.

Từ Asiad 18 cho tới dịch sởi, đã đến lúc buộc các bộ trưởng cũng như lãnh đạo chính quyền phải đối diện với sự chất vấn khắt khe hơn của người dân. Khi chất vấn chính quyền là đòi hỏi chính đáng của người dân, đòi hỏi ấy sẽ liên tục thôi thúc chính quyền hành động.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên