14/04/2014 08:00 GMT+7

Cứng rắn hoặc "chết"

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Đã có người ví von rằng các cầu thủ của đội Ninh Bình tham gia cá độ, dàn xếp tỉ số đang đối diện với án "tử hình" về nghề nghiệp, khi mà chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng đã công khai bày tỏ quan điểm: loại khỏi đời sống bóng đá!

“Loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá”

Nhiều người đồng tình với quan điểm của ông Dũng, nhưng cũng không ít người hoài nghi, cho rằng nếu xử như thế thật thì quá nặng tay. Người ta dẫn chứng vụ “Bacolod 2005” với các cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh... còn nặng hơn cả các cầu thủ Ninh Bình vì đã đụng chạm đến màu cờ sắc áo Tổ quốc. Vậy nhưng, giờ đây những Quốc Anh, Văn Quyến... đã được xóa án. Thế thì cớ gì lại tính chuyện treo giò vĩnh viễn các cầu thủ Ninh Bình? Chưa kể, nếu các cầu thủ Ninh Bình chỉ cá độ thôi chứ không bán độ (tương ứng với từ ngữ trong Bộ luật hình sự là đánh bạc, tổ chức đánh bạc) thì làm sao xử nặng được?

Trước hết, xét về luật (ở đây xin không bàn đến chuyện tội danh các cầu thủ này sẽ bị xử thế nào theo Bộ luật hình sự, vì câu chuyện đang được cơ quan điều tra làm rõ), thì trong quy định về kỷ luật của VFF (bản sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã nêu rõ ở điều 55 về cá độ, bán độ, môi giới cá độ bóng đá: Phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng và đình chỉ hoặc cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với người có hành vi tham gia cá độ bóng đá, bán độ bóng đá, môi giới cá độ bóng đá; thông tin về cá độ, bán độ; lôi kéo người khác tham gia cá độ, bán độ bóng đá.

Như thế VFF hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý về luật chơi của mình để xử lý các cầu thủ Ninh Bình theo cách mà họ muốn. Vấn đề là chứng minh một cách thuyết phục rằng tội của các cầu thủ Ninh Bình (dù chỉ chơi cá độ bóng đá) xứng đáng ở khung hình phạt nặng nhất.

Tôi nhớ vào tuần trước, trong chương trình Đối thoại & chính sách trên VTV1, khi người dẫn chuyện hỏi tân chủ tịch VFF rằng mục tiêu số 1 của nhiệm kỳ 7 VFF là gì thì ông Lê Hùng Dũng trả lời rằng: Xây dựng một nền bóng đá trung thực.

Để giải thích vì sao lại chọn việc xây dựng một nền bóng đá trung thực là mục tiêu số 1 của VFF, ông Dũng bắt đầu từ chuyện bóng đá Ý sa sút trong nhiều năm gần đây, tuy có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là do cảnh sát phát hiện hàng loạt chuyện tiêu cực. Đến bóng đá Việt, ông Dũng dẫn một hiện tượng mà ai cũng thấy, đó là trước năm 2005, mỗi khi đội tuyển quốc gia, tuyển U-23 thi đấu AFF Cup hay SEA Games thường nhận được nhiều tiền thưởng từ người dân, doanh nhân và cả các địa phương. Nhưng, chuyện ấy đã hoàn toàn không còn từ sau vụ “Bacolod 2005”. Trong quá trình đi thương thảo, giao tiếp để tìm nguồn tài chính cho VFF, ông Dũng kể rằng bản thân mình đã nhận được rất nhiều câu nói đau lòng: Việc gì chúng tôi phải bỏ tiền cho cái đám bán độ, đánh bạc?

Từ đó, ông Dũng kết luận: Niềm tin của mọi người, mọi giới về bóng đá Việt Nam (nói chính xác là bóng đá nam) đã hoàn toàn sụp đổ. Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất của VFF là xây dựng một nền bóng đá trung thực để gầy dựng lại niềm tin. Bởi có niềm tin thì mới có khán giả đến sân, mới có nhiều doanh nghiệp chịu mở hầu bao tài trợ cho bóng đá...

Nói cách khác, với vụ tiêu cực của một số cầu thủ Ninh Bình, đây là án điểm của VFF. Hơn ai hết, ông Dũng hiểu rằng chỉ có hai con đường, hoặc là cứng rắn xử tột khung - treo giò vĩnh viễn, hoặc là bóng đá Việt “chết” vì người hâm mộ cạn kiệt lòng tin.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên