12/04/2014 08:15 GMT+7

Nơi ăn chặn, nơi phục vụ

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Ở Hà Giang, cuối năm ngoái có công chức ăn chặn tiền của trẻ em khuyết tật. Giữa tháng 3 năm nay, một cô hiệu trưởng ở Kon Tum bị phát hiện ăn chặn tiền của các bé mầm non.

Ăn chặn tiền hỗ trợ của 900 hộ dân Tiên Lãng

Nay lại có thêm Tiên Lãng (Hải Phòng), chính quyền cấp xã bị tố ăn chặn tiền hỗ trợ cô bác nông dân.

Trong khi đó ở Bình Dương, trung tâm hành chính mới của tỉnh đối xử trọng thị với người dân chẳng khác nào doanh nghiệp tiếp đón khách hàng của mình. Người dân được tư vấn, được phục vụ trong một không gian thân thiện, minh bạch, tiện lợi và sang trọng không kém các trung tâm thương mại hiện đại. Không chỉ có Bình Dương, quận 1 (TP.HCM) mấy năm qua luôn nỗ lực làm hài lòng khách hàng là những công dân trên địa bàn quận của mình. Với vài thao tác đơn giản, sau mỗi thủ tục hành chính người dân có thể đánh giá sự hài lòng của mình đối với từng công chức đã phục vụ họ. Tình trạng thụ lý hồ sơ cũng có thể được thông báo qua tin nhắn điện thoại, và dịch vụ trả lời kết quả tại nhà cũng dự kiến sẽ được thực hiện.

Điều gì đã làm cho có nơi thì cán bộ xã biến thành cường hào, tham lam vơ vét, ăn chặn từng đồng bạc lẻ hỗ trợ dân nghèo? Và điều gì đã tạo ra những nơi khác thì chính quyền địa phương đối đãi với người dân và doanh nghiệp như khách quý?

Sự khác biệt nằm ở chỗ chính quyền tỉnh Bình Dương hiểu rằng tăng trưởng, phát triển và giàu có của tỉnh này phần lớn do sự đóng góp của các doanh nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong môi trường làm ăn sôi động của tỉnh nhà. Những khách hàng ấy muốn đến và ở lại với Bình Dương bởi họ được trân trọng như những vị khách quý phải được phục vụ chu đáo, chứ không phải là đối tượng bị cai trị hay bị coi thường. Ở quận 1 cũng vậy, công chức của quận trung tâm thành phố này hiểu rằng vị trí công việc, đồng lương và uy quyền mà họ có được là nhờ vào sự hài lòng của nhân dân. Nếu đánh mất đi sự tín nhiệm của khách hàng - công dân, những cán bộ công chức ấy có nguy cơ phải ra đi, nhường lại vị trí cho những người xứng đáng hơn.

Như vậy, trong cùng một thể chế, nếu xác định rõ đối tượng khách hàng cần được phục vụ, người lãnh đạo có thể dẫn dắt bộ máy chính quyền chuyển dần từ cai trị sang phục vụ, từ cửa quyền sang thân thiện với người dân. Hoàn cảnh và tiềm năng của các địa phương tất nhiên là khác nhau, nhu cầu của khách hàng cũng khác nhau, song dứt khoát phải trao quyền, nguồn lực và trách nhiệm cho các cấp địa phương một cách rạch ròi. Khi đã được trao quyền, địa phương phải tự quản lấy nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu làm được như thế, tình trạng ăn chặn sẽ bớt đi, thái độ phục vụ sẽ tăng lên, việc đùn đẩy lên cấp trên cũng sẽ dần chấm dứt.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên