24/03/2014 08:01 GMT+7

Hoan nghênh phản ứng của bộ trưởng

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Ngay sau khi báo chí đưa tin về vụ Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) “lại quả” cho các quan chức đường sắt VN trong một dự án ODA, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp và khẳng định bộ sẽ kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai.

Tạm dừng công tác Giám đốc BQL các dự án đường sắt

Bộ trưởng Thăng cũng giao cho một thứ trưởng làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA trong hôm nay, giao cho thanh tra rà soát lại tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, dừng thương thảo tài chính với JTC... Chưa hết, ông còn yêu cầu tạm dừng công tác đối với những cá nhân có liên quan đến dự án để giải trình về trách nhiệm, trong đó có giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt.

Phản ứng đó của Bộ trưởng Đinh La Thăng xem ra rất kịp thời, nhanh chóng và quyết liệt.

Muốn hay không muốn cũng đã nổ ra một trường hợp khủng hoảng phải xử lý từ vụ nhật báo Yomiuri (Nhật) liên tiếp trong hai ngày 20 và 21-3-2014 đưa tin về việc Cục Thuế Tokyo phạt Tập đoàn JTC 40 triệu yen, tương đương 40% số tiền 100 triệu yen mà tập đoàn này đã bị Cục Thuế Tokyo phát hiện “lại quả” tại Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan từ năm 2008-2012.

Thật ra, hành vi “lại quả” không diễn ra đơn lẻ và mang tính đặc thù, mà là một nạn dịch toàn cầu để chính các nước phát triển trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tức các quốc gia công nghiệp chuyên đi đấu thầu, từ tháng 11-1997 phải giao kèo với nhau “chống hối lộ các quan chức ngoại quốc trong các thương vụ quốc tế” bằng một công ước mang tên đó. Hiện có 34 quốc gia thành viên OECD và sáu quốc gia không thành viên là Argentina, Brazil, Bulgaria, Colombia, Nga và Nam Phi tham gia công ước này. 40 quốc gia tham gia công ước này vốn là 40 quốc gia xuất khẩu và đầu tư trực tiếp (FDI) hàng đầu, đều đã thành lập các nhóm công tác chuyên thực thi công ước trên, nên trên lý thuyết phải “săm soi” gần 80% thương vụ xuất khẩu thế giới hằng năm và 90% lượng FDI toàn cầu.

Chính vì thế mà theo báo cáo năm 2013 của Nhóm công tác dữ liệu thực thi công ước chống hối lộ, tính đến tháng 12-2012 đã có đến 221 cá nhân cùng 90 đơn vị bị trừng phạt hình sự tại 13 quốc gia thành viên do hành vi hối lộ ở nước ngoài, trong đó có ít nhất 83 cá nhân bị phạt tù. Báo cáo cũng cho biết hiện đang điều tra 320 vụ tại 24 quốc gia, liên quan đến 85 cá nhân cùng 120 đơn vị và đang truy tố 148 cá nhân cùng 18 đơn vị.

Có thể thấy chính các nước dự thầu, FDI, thường trong nhóm các nước phát triển do tham gia công ước này, vì đã giao kèo với nhau, phải lần lượt khui ra những vụ vi phạm của công dân, các công ty của nước họ, nên chóng hay chầy cái kim cũng lòi ra. Mặt khác, cũng có thể hiểu tại sao lại xảy ra một vụ nữa với một tập đoàn Nhật, sau vụ Công ty tư vấn Thái Bình Dương (PCI) năm 2008: Nhật vẫn đang là nước buôn bán và đầu tư FDI nhiều nhất với VN; và theo một báo cáo đầu năm 2012 của OECD, “có nhiều quan ngại nghiêm trọng rằng Nhật vẫn chưa có vẻ tích cực thực thi bài trừ nạn hối lộ ở nước ngoài”. Thế cho nên phản ứng nhanh nhạy như đã thấy của bộ trưởng Bộ GTVT VN là rất cần thiết và hi vọng vụ việc sẽ được bộ xử lý rốt ráo.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên