Tập trung đánh án tham nhũng lớnXin ý kiến trung ương về dư luận tài sản ông Truyền6 tháng bổ nhiệm gần 60 cán bộ có bất thường?
Kể từ ngày báo Người Cao Tuổi “nổ phát pháo” đầu tiên về vụ ông Truyền, tính đến nay là khoảng nửa tháng trôi qua, nhưng mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở mức thông tin qua lại trên mặt báo. Có báo cho rằng ông Truyền có tới năm hoặc sáu căn nhà, trong đó có căn ở Bến Tre đồ sộ như biệt điện. Báo chí còn nói ông Truyền sống xa hoa đến mức chỉ cái giường ngủ mà trị giá lên tới vài tỉ đồng. Cũng trên báo chí, ông Truyền lên tiếng phản bác tất cả, đồng thời khẳng định có ai đó đang đặt điều với những âm mưu xấu xa. Mặc hai bên “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, các cơ quan hữu quan cũng như người có trách nhiệm chưa hề có một phát ngôn chính thức nào về việc này.
Chuyện tài sản chưa dứt thì báo chí lại ầm ĩ xung quanh vụ ông Truyền ký bổ nhiệm 60 cán bộ vào “phút 89”. Trong vụ này, không thấy ông Truyền đăng đàn “phản pháo”, chỉ có một cán bộ làm công tác tổ chức dưới thời ông Truyền lên tiếng dưới dạng không nêu tên. Dù có vẻ bênh vực ông Truyền với những lời giải thích thế này thế nọ nhưng rốt cuộc vị cán bộ ấy cũng thừa nhận đây là một kiểu tư tưởng “thôi anh về rồi thì làm phúc”. “Làm phúc” hay là... gì đó, mọi cái còn mờ mịt, chưa ai làm rõ khiến dư luận rất băn khoăn.
Nghiêm túc mà nói ông Trần Văn Truyền vốn là lãnh đạo cấp cao, thuộc diện cán bộ trung ương quản lý. Ông từng là người đứng đầu cơ quan có quyền lực lớn trong công cuộc chống tham nhũng, người dân đặt rất nhiều niềm tin vào ông và bộ máy của ông. Với cương vị như vậy, mọi sự vụ liên quan tới ông Truyền - dù ông đã thôi chức về vui thú điền viên - đều là tâm điểm chú ý của xã hội. Nhìn vào ông Truyền, người dân không chỉ đánh giá thanh danh cá nhân, ít nhiều ông cũng là vị “Bao Công” được giao “bảo kiếm”, mà sự tốt - xấu của ông còn có ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của dân đối với Đảng và Nhà nước.
Nhận thức được điều này mới thấy các thông tin liên quan đến ông Trần Văn Truyền là hoàn toàn không đơn giản. Đây không phải là một thứ đồn thổi vu vơ, càng không phải là chuyện riêng của một cán bộ hưu trí. Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải sớm vào cuộc làm rõ trắng - đen, điều này đồng nghĩa với việc thực thi công lý, trong đó có công lý cho ông Truyền, công lý cho báo chí, công lý cho cả uy tín của Đảng và Nhà nước. Đáng tiếc là cho đến nay những đòi hỏi chính đáng của dư luận vẫn chưa được đáp ứng.
Còn nhớ, cách đây mấy chục năm, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng gọi sự im lặng trước những điều bức xúc của nhân dân là đáng sợ. Ông đã dùng loạt bài “Những việc cần làm ngay” để phá vỡ sự im lặng ấy. Từ đó dấy lên một không khí dân chủ, cởi mở, tạo điều kiện cho cả nước bước vào thời đầu của công cuộc đổi mới với một khí thế đầy niềm tin. Bài học cũ vẫn còn mới nguyên, xin đừng quên!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận