03/03/2014 08:00 GMT+7

Không để ưu đãi rơi vào quên lãng!

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Nếu không có gì thay đổi, những ngày tới sẽ lại có thêm một chương trình ưu đãi tín dụng với số vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng dành cho nông nghiệp và những ngành liên quan.

4.000 tỉ đồng đẩy mạnh phát triển hoa công nghệ caoNgân hàng tung ra gói cho vay ưu đãi

Khác với những gói tín dụng ưu đãi trước đây, theo đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, lần này vốn sẽ được ưu tiên rót thẳng vào các mô hình sản xuất nông nghiệp mới và các ứng dụng công nghệ khoa học trong nông nghiệp.

Đây có lẽ là hai điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp VN lâu nay khiến nhiều nông dân dù “một nắng hai sương” làm ra hàng triệu tấn lúa, cá, rau... bao năm qua vẫn trong cảnh nghèo, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Thực tế tại nhiều nước trên thế giới như Israel, Hà Lan, Nhật..., việc đầu tư mạnh cho các ứng dụng khoa học trong nông nghiệp đã mang lại những bước đi thần kỳ cho nền kinh tế. Những nông dân Nhật chuyên sản xuất rau xà lách của Kawakami (tỉnh Nagano) khi đến Đà Lạt (Lâm Đồng) hợp tác trồng rau đã không hề giấu giếm, dù một năm chỉ sản xuất được bốn tháng do ảnh hưởng thời tiết, nhưng thu nhập bình quân tại làng này khoảng 250.000 USD/năm/hộ. Hay câu chuyện bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, nhờ áp dụng công nghệ cao trong trồng mía tại Lào mà năng suất mía tại đây cao gấp đôi so với mức bình quân tại VN.

Ở trong nước, thời gian gần đây hàng loạt mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi... ứng dụng công nghệ cao cũng được người dân, doanh nghiệp tự mày mò nghiên cứu hoặc thuê chuyên gia nước ngoài cũng đạt được nhiều kết quả đáng nể (xem loạt bài “Tìm hướng phát triển nông nghiệp hiện đại” trên Tuổi Trẻ từ ngày 24 đến 27-2).

Nói như vậy để thấy rằng đầu tư vào các ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học, đang là hướng đi đúng đắn nhằm thay đổi căn bản phương thức phát triển nông nghiệp. Nhất là với hiện trạng ngành nông nghiệp của VN lâu nay vốn dĩ chỉ phát triển mạnh về lượng mà thiếu hẳn đi sâu về chất. Nhiều mặt hàng VN xuất khẩu nhiều vào hàng đầu thế giới như cà phê, gạo... nhưng giá trị kinh tế mang lại không đáng kể, đặc biệt với những người trực tiếp làm ra sản phẩm. Tất nhiên, để phát triển được một nền nông nghiệp hiện đại, có sản phẩm cạnh tranh cao, bên cạnh yếu tố khoa học kỹ thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách về đất đai, nguồn nhân lực... Song khoa học công nghệ vẫn là một trong những yếu tố quyết định cần phải được đầu tư gấp rút.

Giờ đây vốn đã được xác định đúng trọng tâm cần rót, thế nhưng điều người ta lo ngại là làm sao để những đồng vốn ưu đãi này vào trúng địa chỉ đang cần nó một cách nhanh nhất. Trong quá khứ nhiều nông dân, doanh nghiệp trong ngành nông sản đã nghe quá nhiều những gói ưu đãi kiểu này, tuy nhiên việc tiếp cận vốn không đơn giản chút nào. Không chỉ vấn đề thủ tục rườm rà mà còn những điều kiện, tiêu chí ràng buộc, luôn đẩy khó về phía người vay.

Thực tế những năm trước đã chứng minh có những chính sách ưu đãi vốn cho nông nghiệp, sau một năm triển khai cũng chỉ có vài chục trường hợp tiếp cận được và thời gian sau rơi vào quên lãng. Do vậy với nhiều nông dân, doanh nghiệp nông sản kỳ vọng trước khi tung chương trình hỗ trợ tín dụng trên, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có những khảo sát, đánh giá thật cụ thể về nhóm đối tượng cho vay. Khi đó ban hành những tiêu chí, điều kiện cho vay mới sát thực tế và vốn mới thật sự chạy vào nơi cần để phát huy ngay hiệu quả.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên