28/02/2014 01:19 GMT+7

Bằng giả và hệ thống

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Chỉ ra việc bằng giả “chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị” không phải là một phát hiện. Đó đúng hơn là một sự mạnh dạn. Hiện tượng cử rồi mới thi, hơn là thi rồi mới cử; coi bằng cấp là tiêu chuẩn hơn là kiến thức và kỹ năng... trong hệ thống là chuyện rất nhiều người biết. Thế nhưng, rất nhiều người biết thì vẫn hoàn toàn không phải là rất nhiều người dám nói thẳng ra.

Trong bối cảnh như vậy, sự chân thành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận (khi nhận xét rằng “việc học giả, bằng giả, rồi học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu”) là một đóng góp. Nói được thì rồi sẽ được nói. Tranh luận xã hội sẽ giúp chúng ta nhận thức vấn đề sâu sắc hơn và giải quyết vấn đề triệt để hơn.

Tại sao bằng giả chỉ có thể chui được vào hệ thống chính trị mà không thể chui vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài (thật ra cũng là doanh nghiệp tư nhân)? Đơn giản là vì chế độ trách nhiệm đối với các doanh nghiệp tư nhân là rất rõ ràng. Tuyển sai người thì doanh nghiệp sẽ làm ăn yếu kém, làm ăn yếu kém thì sẽ không chịu nổi cạnh tranh, không chịu nổi cạnh tranh thì sẽ bị phá sản. Thị trường áp đặt một thứ kỷ luật hết sức nghiêm khắc và lạnh lùng. Hệ thống chính trị lại không có được một chế độ trách nhiệm rõ ràng như vậy. Các cơ quan trong hệ thống chính trị (đặc biệt ở nước ta) đều lấy tiền từ ngân sách để hoạt động.

Tiền đến với các cơ quan này thông qua cơ chế phân bổ ngân sách chứ không phải cơ chế cạnh tranh của thị trường. Làm tốt hay không thì cứ Quốc hội, hội đồng nhân dân phân bổ ngân sách là các cơ quan sẽ có tiền. Tệ hơn, cơ quan càng có nhiều người thì càng được phân bổ nhiều tiền. Đây chính là điều kiện cho bằng giả tha hồ “đục nước béo cò”. Thay đổi cơ chế phân bổ và đánh giá việc chi tiêu tiền ngân sách là rất quan trọng để xác lập chế độ trách nhiệm cho các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chi tiền cho việc, đừng chi tiền cho người; chi tiền cho đơn vị cung cấp được nhiều dịch vụ cho dân hơn là những cách chúng ta có thể tham khảo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân mua sự sáng tạo, kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất chứ không phải bằng cấp. Chính vì vậy, bằng thật cũng không có nhiều ý nghĩa chứ đừng nói gì đến bằng giả. Các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng cần làm như vậy. Các cơ quan này phải được giao những nhiệm vụ rõ ràng. Và với những nhiệm vụ đó thì những phẩm chất, kiến thức và kỹ năng gì là cần thiết cũng phải được xác định. Chúng ta cần tuyển người theo những phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nói trên là chính. Bằng cấp thật đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ là một sự chứng nhận hơn là một sự bảo đảm.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bằng giả học giả