18/01/2014 08:19 GMT+7

Câu trả lời của hành khách

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ngày tết đến cũng kèm theo nhiều lo toan “đến hẹn lại lên”: lương chậm, thưởng ít; tàu xe căng thẳng; giá cả nóng sốt... Giữa lúc đó có tin lạ: ga đường sắt thông báo đang ế đến hàng ngàn vé tàu ngày tết. Lạ là bởi thời điểm này hằng năm chính là cao điểm hành khách đang bị “hành” khi chờ chực mua vé tàu tết.

Kèm theo thông báo này, đại diện ngành đường sắt cũng đưa ra lý do: sinh viên nghỉ tết muộn, kinh tế khó khăn nên nhiều người nhập cư quyết định không về quê.

Thế nhưng lại có hàng ngàn người dân đang chực chờ ở các điểm bán vé xe chất lượng cao. Lại có hàng trăm người khác quả quyết đã nhiều lần liên lạc qua mạng, qua điện thoại, đến đại lý và tận ga để mua vé tàu, nhưng đều được trả lời: hết vé. Cũng hàng trăm người đó thở phào: từ giờ sẽ không đi tàu hỏa nữa.

Đã có nhiều cách để hành khách chọn lựa: xe khách chất lượng cao giá chỉ bằng 2/3 hoặc 1/2 nhưng lại được phục vụ ngày ba bữa ăn, nước suối, khăn lạnh; máy bay thì tiết kiệm rất nhiều thời gian, phục vụ chu đáo, nếu mua được giá rẻ tính ra còn rẻ hơn vé tàu.

Xét về kinh tế, ngành đường sắt có rất nhiều thuận lợi vì khoản đầu tư lớn nhất là đường ray thì đã có từ nhiều năm trước. Tính trên cùng khối lượng hàng hóa và số hành khách chuyên chở, nhiên liệu hao tốn của vận tải đường sắt là nhỏ nhất so với các phương tiện khác. Thế nhưng giá vé tàu vẫn cao. Những giải thích về phụ tùng ngoại nhập, nhân lực lớn, bù lỗ cho các chuyến tàu rỗng một chiều không thể thỏa mãn thắc mắc của hành khách. Chỉ có lý do mà mới đây Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành đường sắt có thể được hành khách coi là có lý: “Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt luôn nghĩ mình không phải doanh nghiệp mà là Bộ đường sắt nên trong cách làm việc, mối quan hệ chưa thật sự thay đổi, vẫn nghĩ mình là cơ quan quản lý nhà nước”.

Đúng là như vậy. Trong khi các hãng xe khách đua nhau làm những cuộc lột xác về chất lượng dịch vụ thì hành khách của tàu hỏa vẫn phải ngán ngẩm với những bữa ăn được pha chế bằng nước sôi và bột canh, phải rùng mình với nhà vệ sinh xả thẳng xuống đường tàu, phải xoay xở đủ đường để có được tấm vé ngày tết. Tàu hỏa hôm nay, nếu có, chắc chỉ hơn được những chuyến tàu ba ngày ba đêm mấy mươi năm trước, khi những phương tiện vận tải đường bộ khác chưa phát triển.

Bao năm nay, phải chăng ngành đường sắt chậm thay đổi vì cứ đến mỗi mùa tết, ngành lại thấy rõ ưu thế độc quyền của mình qua hàng hàng lớp lớp hành khách nằm ngồi ăn ngủ vạ vật tại sân ga mong chờ một tấm vé? Thế nhưng mấy ngàn tấm vé ế trong dịp tết này cũng là câu trả lời của hành khách trước sự trì trệ của ngành đường sắt. Thực tế này có làm những người trong ngành giật mình để nhớ ra rằng: theo quy luật thị trường, đường sắt cũng có thể bị thay thế. Quốc lộ đang được mở rộng, đường cao tốc vươn dần ra các nơi, máy bay giá rẻ ngày càng nhiều, cạnh tranh với đường sắt ngày càng gay gắt. Nếu không sớm ngộ ra điều này, chấp nhận thay đổi, bước vào cạnh tranh, thì đến lúc nào đó ngành đường sắt cũng sẽ bị hành khách bỏ rơi, bị thị trường đào thải. Một hệ thống vận tải trị giá nhiều ngàn tỉ đồng nhưng lại không phải là xương sống của mạng lưới giao thông công cộng, đó là sự lãng phí mà xã hội không thể chấp nhận.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên