03/12/2013 08:32 GMT+7

Phải có người chịu trách nhiệm

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

TT - Câu chuyện cả trăm ký ma túy ung dung qua cửa khẩu đang đặt ra nhiều câu hỏi, ai chịu trách nhiệm? Trong xã hội có pháp luật, có một nguyên tắc xuyên suốt: khi có thiệt hại xảy ra cho con người, cho xã hội, cho đất nước phải có người chịu trách nhiệm.

Vụ 600 bánh heroin: Tạm đình chỉ 4 cán bộ an ninhLàm rõ vụ 600 bánh heroin từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Đài LoanMáy tính tự động phân "luồng xanh" cho qua 600 bánh heroin

Một chiếc xe hơi lọt ổ gà lật nhào làm chết người, một con chó dại sổng chuồng cắn người qua đường, một chiếc cầu gãy, một phát đạn nổ gây thương vong cho người qua đường..., tất thảy đều phải có người chịu trách nhiệm. Sự miễn trách chỉ được xét khi thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng, hay do lỗi của nạn nhân.

Cơ chế hậu kiểm, cho đương sự tự khai, dù đó là khai thuế, khai đăng ký kinh doanh hay khai hải quan, hay cái gọi là “quản lý rủi ro”, là để tăng hiệu quả kiểm tra, không cào bằng, để tạo thuận lợi cho những người trung thực đã được kiểm chứng và những nguy cơ thấp, và để tập trung vào những tội phạm gian xảo, những nguồn tác hại nguy hiểm cao. Như trong những hệ thống bán hàng hiện đại, khách hàng được tự do tối đa, không có ai giám sát, nhưng nếu gian lận, ăn cắp thì sẽ bị phát hiện ngay lập tức. Càng cho phép tự giác thì phải càng kiểm tra chặt chẽ nhưng tinh vi.

Một hệ thống kiểm tra hải quan bình thường phải có khả năng sau đây: luồng xanh là để cho những người trung thực, mang hàng hóa hợp pháp, thông quan không cần khai báo, nhưng lại phải có khả năng “lật tẩy” những kẻ mang hàng lậu, hàng cấm, bằng những biện pháp nghiệp vụ tinh thông và phương tiện tinh vi.

Một hệ thống hải quan không có khả năng phát hiện ma túy đi qua luồng xanh với số lượng hàng trăm ký là không chấp nhận được vì nó không làm được chức năng bảo đảm an ninh, trái lại đã trở thành một nguồn nguy hiểm và tác hại. Chỉ trừ do nguyên nhân bất khả kháng, trong một xã hội có pháp luật, luôn phải có người chịu trách nhiệm. Nếu những nhân viên trực hôm đó không phải chịu trách nhiệm thì người phụ trách họ phải chịu. Nếu những người sử dụng quy trình hay thiết bị ấy không chịu trách nhiệm thì những người thiết kế, người phê duyệt, người lãnh đạo của họ phải chịu trách nhiệm. Nếu ở cấp cục không có ai chịu trách nhiệm thì ở tổng cục hoặc ở cấp bộ phải có người chịu trách nhiệm. Đó là nguyên tắc quản lý nhà nước bình thường trong một chế độ pháp quyền. Và chịu trách nhiệm nghĩa là phải “trả giá”, nếu không phải là một chế tài tương xứng của hình luật hay dân luật thì cũng phải là một bản án của lương tâm và đạo đức công vụ, như từ chức chẳng hạn.

Chừng nào chưa làm được như vậy thì “quốc pháp” còn yếu hơn “gia quy”, niềm tin của nhân dân vào đội ngũ công quyền cứ ngày càng suy giảm.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên