Bao giờ cũng thế, nhân viên y tế là người hứng búa rìu dư luận về hậu quả của quá tải như bệnh nhân phải chờ đợi, phục vụ qua loa, dịch vụ kém...
Nếu sòng phẳng, họ không phải là người chịu trách nhiệm về thực trạng này. Bởi con người chỉ có thể làm việc trong một thời gian nhất định, bệnh viện (BV) với diện tích, trang thiết bị và trong thời gian chỉ có thể phục vụ một lượng bệnh nhất định. Để xảy ra quá tải là trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách.
Thật vậy, có vấn đề trong quy hoạch mạng lưới BV 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Sự quá tải ở các BV như Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi đồng... đã tồn tại hàng chục năm nay. Thế nhưng những cơ quan có trách nhiệm đã chậm trễ khắc phục. Dù tuổi đời của các BV cũ đã xấp xỉ 60-70, thậm chí cả 100 năm và dù dân số đã tăng nhiều lần nhưng có mấy BV được xây mới. Đây là vấn đề của Nhà nước.
Chưa hết, sự quá tải ở các BV tại TP.HCM một phần do bệnh nhân từ các tỉnh đổ về, từ các BV tuyến tỉnh chuyển lên. Không thể trách hay cấm người bệnh đi tìm nơi khám bệnh tốt. Vấn đề là tại các tuyến tỉnh, hoạt động y tế kém cỏi, cầm chừng, nhiều cán bộ y tế giỏi dứt áo ra đi tìm nơi khác làm việc, nhiều bệnh nhân bỏ BV tỉnh nhà tìm nơi chữa bệnh nhưng chẳng thấy ai bị kỷ luật hay khiển trách do đã không chăm lo đúng mức cho ngành y tế.
Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng góp phần đẩy bệnh nhân qua khám dịch vụ khi khoản chi cho chi phí điều trị quá thấp đến nỗi chẳng mấy BV, dù tư nhân hay Nhà nước, mặn mà với người có thẻ BHYT. Mức khám 3.000 đồng không đủ trả cho một lần gửi xe khiến nhiều BV muốn làm dịch vụ hơn là khám BHYT. Mặt khác, BHYT ở tuyến dưới lại có quy định lạ đời là nhất định cứ phải chuyển bệnh nhân lên các BV đầu ngành đã quá tải dù hiện tại có rất nhiều BV hạng 1 khác của TP.HCM vẫn điều trị tốt. Chính quy định này đã góp phần làm quá tải trầm trọng các BV đầu ngành. Những người đứng đầu cơ quan BHYT đã trả lời chính thức rằng có thể chuyển bệnh nhân đi đến bất kỳ BV nào điều trị được, thế nhưng bệnh nhân vẫn được chuyển đến các BV đầu ngành.
Giải quyết quá tải, không gì khác ngoài xây thêm BV mới. Vấn đề này phải làm ngay, quyết liệt và không thể chậm trễ hơn nữa. Còn trước mắt, có thể áp dụng một số giải pháp để bớt khó cho người bệnh. Đó là cho phép và tạo điều kiện để BV hạng 1 của Sở Y tế phát triển các chuyên ngành đang quá tải. Phát triển mô hình viện - trường để nâng cao năng lực bác sĩ, thu hút bệnh nhân về. Những nơi nào đã phát triển được cần cung cấp thêm giường bệnh để thu hút nhiều thêm bệnh nhân. Sở Y tế thông báo đến các BV trực thuộc và BV ở các tỉnh danh sách BV thuộc sở có khám và điều trị các chuyên ngành đang quá tải và yêu cầu có thể chuyển đến các BV này, tùy yêu cầu của bệnh nhân mà không nhất thiết chuyển về BV đầu ngành.
Bên cạnh đó, BYHT phải sòng phẳng hơn trong chi trả chi phí khám chữa bệnh. Phải tính giá sát với thực tế, khi đó BV nhà nước mới có thể tái đầu tư để nâng cao khả năng phục vụ. Đồng thời BHYT ở các tuyến quận huyện hoặc tỉnh cho phép chuyển viện chuyên khoa theo yêu cầu của bệnh nhân. Không nhất thiết phải chuyển lên các BV đã quá tải.
Cuối cùng, các BV tuyến tỉnh cần chủ động phát triển chuyên ngành đang quá tải, yêu cầu được hỗ trợ về chuyên môn từ TP.HCM nhưng với điều kiện phải có lực lượng bác sĩ tại chỗ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố cần phải có nghị quyết phát triển y tế từng tỉnh, thành phố và phải xem đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và phải quyết liệt thực hiện nhằm giảm tải cho BV tuyến trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận