28/09/2013 09:15 GMT+7

Quyền lực và trách nhiệm

TS NGỌC ĐẢN
TS NGỌC ĐẢN

TT - Mới đây khi trình bày dự án Luật đầu tư công, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu: “Có những công trình đầu tư sai, ví dụ như xây cái chợ không có người đến, gây lãng phí rất lớn nhưng không ai chịu trách nhiệm” (Tuổi Trẻ ngày 24-9).

Chủ tịch Quốc hội: "Trúng thầu bao nhiêu thì giá trả bấy nhiêu"Lãng phí nhiều mà chưa thấy ai bị làm saoNgười quyết định đầu tư sai sẽ bị xử lý

Trong thực tế việc nhỏ hay việc lớn đều liên quan đến người có quyền lực và trách nhiệm của họ. Quyền lực và trách nhiệm là vấn đề không mới nhưng rõ ràng vẫn đang có tính thời sự.

Cuộc sống đang đòi hỏi nâng cao trách nhiệm cá nhân. Nhiều cán bộ không to nhưng đầy quyền lực, quản lý nhiều dự án trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Dường như trên thực tế không ai kiểm soát “quyền lực” của họ.

Chúng ta nói nhiều về việc phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân đi liền với thẩm quyền tương ứng, với chức trách công tác được giao.

Thực tế hiện nay trong nhiều lĩnh vực, tình trạng yếu kém, tiêu cực kéo dài mà một số cán bộ chủ chốt, người đứng đầu vẫn chưa thấy hết trách nhiệm của mình.

Tại buổi họp trên, ông Trịnh Đình Dũng - bộ trưởng Bộ Xây dựng - cũng nói: “Đối với các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, một số quy định về phân quyền cho chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí xây dựng trong điều kiện năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế có nhiều việc phải dựa vào tư vấn, còn thiếu các quy định cụ thể về việc kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với chi phí xây dựng dẫn đến những sơ hở, dễ bị lợi dụng để làm tăng chi phí, gây thất thoát, lãng phí và làm giảm hiệu quả dự án...”.

Nói vậy thì ai quản lý nhà nước về lĩnh vực này? Quyền hạn vẫn ở trong tay Bộ Xây dựng và bộ trưởng chứ?...

Tình trạng cán bộ có quyền nhưng không chịu trách nhiệm vẫn chưa thay đổi nhiều. Chế độ trách nhiệm là sự bổ sung có hiệu quả đối với chế độ truy cứu pháp luật và truy cứu kỷ luật.

Sau nhiều vụ thi hành kỷ luật một số cán bộ cả ở cấp cao lẫn ở địa phương đã cho thấy thực tế vẫn còn tồn tại tính tùy tiện. Việc truy cứu trách nhiệm cá nhân thiếu sự thống nhất và quy định rõ ràng, chỉ dừng lại truy cứu trách nhiệm hành chính thay cho truy cứu pháp luật.

Có một thực tế khác là ở một số đơn vị, người có chức vụ và quyền lực kéo dài nhiều năm nay nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo không đổi mới, các mặt hoạt động không theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ bị “lãng quên”. Hoặc có khi họ chỉ nhăm nhăm “đào tạo” “cánh hẩu” của mình.

Từ đó sinh ra bệnh hẹp hòi, gia trưởng làm thui chột khả năng phát triển của đội ngũ cán bộ có tài năng, tâm huyết. Có thể nói đây cũng là một dạng cán bộ cần xem xét đến trách nhiệm cá nhân vì họ chưa làm hết trách nhiệm được giao...

Quyền lực và trách nhiệm là hai mặt của vấn đề trong công tác cán bộ hiện nay. Tình trạng cán bộ thị uy bằng quyền lực nhưng không có và không chịu trách nhiệm cá nhân cần được thay đổi, chấm dứt.

Đây là vấn đề còn rất nhiều việc phải làm. Có như vậy mới có những người được giao quyền lực có trách nhiệm và tài năng. Làm được điều này cũng tạo sức ép để những người không đủ năng lực thực thi quyền lực phải từ chối chức vụ được giao. Việc nhỏ không hoàn thành thì họ sẽ không dám nhận việc lớn.

TS NGỌC ĐẢN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên