19/09/2013 08:22 GMT+7

Đào tạo tử tế

 GS.TS TRƯƠNG ĐÌNH KIỆT (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM)
 GS.TS TRƯƠNG ĐÌNH KIỆT (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM)

TT - Ở lĩnh vực y tế, từ chỗ trong một thời gian dài chỉ có 10 trường đại học, đến nay đã có 26 trường đại học, rất nhiều trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có đào tạo nguồn nhân lực y tế và quy mô tuyển sinh hằng năm đều rất “khủng”. Từ đó số người tốt nghiệp một số ngành như điều dưỡng trung cấp, dược sĩ trung cấp trở nên quá dồi dào, dẫn đến dư thừa và thất nghiệp.

Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT bất đồng về đào tạo bác sĩ

Sở Y tế TP.HCM từng cảnh báo hiện có hơn 5.000 điều dưỡng chưa có việc làm. Đào tạo “thừa” và người tốt nghiệp “thất nghiệp” đã tạo nên một bức tranh xám đối với đào tạo nhân lực y tế (tôi muốn nói thêm là không chỉ đối với y tế).

Vậy bản chất của bức tranh này là gì, nằm ở đâu và do ai? Trước hết xin khẳng định nước ta vẫn đang ở tình trạng thiếu điều dưỡng nghiêm trọng. Theo các thống kê y tế (kể cả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới), nước ta chỉ mới có tám điều dưỡng trên một vạn dân, tức là rất thiếu điều dưỡng. Như vậy tại sao các bệnh viện và cơ sở y tế không tuyển thêm điều dưỡng?

Do chất lượng đào tạo điều dưỡng thấp, kiến thức và kỹ năng người tốt nghiệp điều dưỡng chưa làm hài lòng nhà tuyển dụng? Hay do nhà tuyển dụng không đủ quỹ lương cho một khối lượng điều dưỡng tối ưu nào đó, đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh và cộng đồng? Hay do cả hai nguyên nhân? Ở đây không có lỗi của người theo học điều dưỡng, ai bước vào trường để học điều dưỡng, dù ở trình độ đại học, cao đẳng hay trung cấp, đều đáng được chào đón. Tất cả những ai muốn gắn cuộc đời mình cho việc chăm sóc điều dưỡng người bệnh là hết sức đáng quý. Tuyệt đại đa số người học đều muốn được học đàng hoàng để có một nghề đàng hoàng và một chỗ làm tốt. Vậy còn lại, chúng ta phải làm sao để có thể cho họ một sự đào tạo tử tế?

Một loạt trường đại học đã được phê duyệt và cho phép thành lập, hoạt động, để đến hôm nay ta lo lắng về hoạt động và chất lượng đào tạo không chỉ của một mà nhiều trường. Có lẽ chính vì thế mà Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 (quyết định số 37/2013/QĐ-TTg). Thế nhưng theo các điều chỉnh của quyết định này thì từ nay đến năm 2020 ở Hà Nội và TP.HCM sẽ không có trường đại học và cao đẳng mới nào được thành lập. Chỉ có các tỉnh, thành phố khác mới được ưu tiên. Tại sao ở những nơi có điều kiện tốt nhất lại không được phép thành lập trường đại học, cao đẳng mới suốt một thập niên. Xin hãy suy nghĩ đến điều này và bàn tới vấn đề này cho thấu đáo, trước khi bàn đến các vấn đề kỹ thuật, đào tạo thừa, chất lượng thấp...

 GS.TS TRƯƠNG ĐÌNH KIỆT (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên