12/09/2013 07:43 GMT+7

Đánh đổi

ĐỨC TUYÊN
ĐỨC TUYÊN

TT - “Tôi sẽ đệ đơn từ chức ngay lập tức nếu UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép xây dựng thủy điện Đrăng Phốk trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn”. Đó là lời khẳng định của ông Trần Văn Thành - quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Ông Thành cho biết không nói suông, nói cho sướng miệng mà là quyết liệt đấu tranh, là giải pháp đối đế cuối cùng, là cách để ông thể hiện chính kiến khi người ta không quan tâm bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Thủy điện đe dọa vườn quốc gia Yok ĐônTừ những cánh rừng hấp hốiĐắk Lắk nói không với thủy điện trong vườn quốc giaKhông xây thủy điện trong vườn quốc gia

Sau khi tuyên bố “sẽ từ chức nếu...”, ông Thành tâm sự: “Gần cả đời tôi đã gắn bó, bảo vệ và sống với rừng”. Đúng vậy. Ông Thành, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM về lâm trường, làm cán bộ kiểm lâm - phó giám đốc, rồi giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và nay là quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, chỉ còn gần mười năm nữa ông Thành có thể nghỉ ngơi. Nhưng ông sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp của mình để bảo vệ rừng không bị dự án thủy điện tàn phá.

Trái ngược với ông Thành, những vị giám đốc của những công ty lại đang chăm chăm phá đi những cánh rừng xanh, hủy hoại sự đa dạng sinh học trong những vườn quốc gia để làm thủy điện. Tại sao người ta lại chọn làm thủy điện trong vùng lõi các vườn quốc gia? Bởi trong vườn quốc gia có những cánh rừng giàu hàng trăm tuổi. Ở đó không có người dân sinh sống nên không phải tốn chi phí cho việc di dân, tái định cư. Xây dựng thủy điện trong vùng rừng vườn quốc gia với chi phí thấp nhưng cho lợi nhuận cao.

Xem ra, việc doanh nghiệp làm thủy điện trong vườn quốc gia cũng là một sự đánh đổi. Nhưng bản chất của hai sự đánh đổi này hoàn toàn khác nhau. Ông Trần Văn Thành đã chấp nhận đánh đổi lợi ích của riêng mình để bảo vệ ích lợi chung cho toàn xã hội. Trái lại, một số ông chủ doanh nghiệp lại đang muốn nhấn chìm những cánh rừng - tài sản, môi trường sống chung của mọi người - với mục đích có được lợi nhuận cho riêng mình. Đặt lên bàn cân, chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ sự đánh đổi của ông Thành, mình vì mọi người chứ không thể chấp nhận sự đánh đổi mọi người vì mình. Nhưng có lẽ cũng chẳng ai muốn diễn ra sự đánh đổi mình vì mọi người bởi điều đó sẽ là bất công, vì lẽ phải đã không được tôn trọng.

Để hi sinh cái riêng, bảo vệ cái chung, chúng ta cũng không thể ngồi yên mà kêu gọi “sự thành tâm” quay lại của những ông chủ doanh nghiệp đang muốn biến rừng làm ra tiền cho mình. Nếu không có tiếng nói của báo chí, nhà khoa học, các tổ chức bảo vệ môi trường, cán bộ, người dân, kể cả sự chấp nhận đánh đổi như trường hợp của ông Thành, có thể nay hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được khởi công xây dựng.

Sự đánh đổi luôn có cái giá của nó, có khi rất đắt. Có thể đó là thảm họa về môi trường. Cũng có thể là những chuỗi ngày khó khăn trong cuộc sống khi một cá nhân đã chấp nhận hi sinh nhưng cũng không bảo vệ được lẽ phải. Ở trường hợp thủy điện lấn rừng, mọi người nghĩ đã cần đến hồi kết và chẳng có sự đánh đổi nào xảy ra để rừng sẽ mãi xanh.

ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên