Trong số này phần lớn là các đại gia và người có thu nhập cao như giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ... Một trong những lý do dẫn đến việc vận động này, theo Cục Thuế TP.HCM, là do họ chưa am hiểu luật thuế.
Tuy nhiên từ năm 2004, cơ quan thuế đã rầm rộ thông tin về truy thu thuế thu nhập cá nhân, đến nay gần 10 năm nên những người bị truy thu thuế không thể nói là không biết, không hiểu mà chỉ có thể là cố tình “né” thuế.
Vậy mà có vẻ cơ quan thuế ưu ái họ. Lẽ ra với họ, ngoài chuyện truy thu cơ quan thuế phải phạt chậm nộp, đồng thời công bố trên các báo.
Đằng này, truy thu 10,8 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân từ 11 đại gia nhưng cơ quan thuế lại không phạt đồng nào, cũng không ai biết danh tính người vi phạm.
Xuất hiện trên báo, họ “núp” dưới cái tên ông T, bà L, bà X... Việc cơ quan thuế không dám công khai danh tính người vi phạm có lý do là sợ bị đụng chạm, sợ bị phản ứng.
Do vậy thường khi phát hiện vi phạm, cơ quan thuế chọn cách xử lý êm đẹp là mời họ đến yêu cầu nộp số thuế còn thiếu chứ không ra quyết định kiểm tra. Như vậy người nộp thuế vẫn coi như chưa vi phạm, cơ quan thuế cũng lấy lý do này để không công khai tên tuổi người bị truy thu thuế.
Cách làm này có mặt lợi là nhẹ nhàng, người bị truy thu cảm thấy thoải mái nhưng kinh nghiệm sau nhiều năm cho thấy cách làm này không hiệu quả.
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, nói muốn đánh động dư luận, cơ quan thuế phải kiểm tra xử phạt, đồng thời công bố danh tính vài trường hợp, sau đó cơ quan thuế không cần kêu gọi thì người nộp thuế cũng sẽ tự động tìm đến.
Đằng này, cơ quan thuế cứ giơ cao đánh khẽ dẫn đến “lờn” thuốc và tạo bất công không chỉ với người làm công ăn lương bị truy thu từng đồng thuế, mà còn bất công với chính các doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp khai thiếu thuế, ngoài truy thu còn bị phạt chậm nộp, còn các “đại gia” thì không.
Theo ông Sơn, việc truy thu thuế nằm trong tầm tay của cơ quan thuế vì tất cả tờ khai thuế của người hưởng lương cao đều nằm trong dữ liệu của Cục Thuế. Vấn đề là bóc tách dữ liệu này ra để xử lý.
Nhưng thời gian qua ông có cảm giác là cơ quan thuế không thấy tầm quan trọng của vấn đề này, hoặc sợ làm lớn chuyện.
Theo luật sư Trần Xoa, nên công khai tên tuổi những người “né” thuế, đồng thời xử phạt theo đúng quy định vì ở đây cơ quan thuế đang thực thi công vụ nhằm tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế.
Nếu không, dư luận nhìn vào có thể nói rằng cơ quan thuế chưa làm tròn trách nhiệm vì với người làm công ăn lương hiện nay đều bị thu “sát ván”, trong khi với người có thu nhập cao cơ quan thuế lại chưa khai thác đầy đủ.
Cũng theo các chuyên gia, nhân việc lãnh đạo bốn công ty dịch vụ công ích nhận lương “khủng”, Cục Thuế nên mở rộng việc thanh tra, rà soát lương, thưởng tại những công ty dịch vụ công ích khác. Nếu thời gian qua họ chưa nộp đủ thì phải truy thu và công khai kết quả nhằm đánh động dư luận.
Việc này không mới và không khó nhưng thời gian qua làm quá ì ạch. Chưa kể cách công bố nửa vời, tức chỉ nêu số tiền truy thu được mà giấu tên tuổi người vi phạm thì khả năng sự việc trôi vào quên lãng rất cao.
Trở lại việc đăng báo vận động người nộp thuế có thu nhập nhiều nơi đến cơ quan thuế để quyết toán thuế thu nhập cá nhân, theo các chuyên gia, cơ quan thuế cũng nên giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó nếu không có chuyển biến thì cơ quan thuế phải có biện pháp hành chính để chấn chỉnh, không thể hoàn toàn trông đợi vào sự tự giác của người nộp thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận