Chuyện 5 hiệu trưởng xin từ chức
Hai hiện tượng từ chức này không hoàn toàn giống nhau: một bên từ chức bởi cuộc vận động miễn nhiệm của tổ chức, một bên từ chức từ chính nhận thức, quyết tâm riêng của cá nhân.
Tuy nhiên, chí ít điểm chia sẻ đáng trân trọng của việc năm hiệu trưởng từ chức với vụ rời vị trí quyền lực của ngài vụ trưởng đó là lòng tự trọng. Khi nhận thức rằng việc nắm giữ vị trí không được mọi người tín nhiệm nữa thì năm hiệu trưởng đã tự ứng xử rút lui.
Đã mười hai năm trôi qua, chương trình giáo dục phổ thông quốc gia mà TS Nguyễn Kế Hào đã vì nó mà từ chức đến nay đang dần được chuẩn bị để khép lại cho một chương trình giáo dục mới ra đời, thì hiện tượng từ chức ở nước ta vẫn còn là chuyện hiếm hoi.
Trong lúc đó, ai cũng biết ở nhiều quốc gia khác, khi người được giao trách nhiệm, nhưng do cố tình hay vô tình, hay do không đủ khả năng làm tròn thì với lòng tự trọng của mình, người ta thường tự nguyện xin từ chức.
Từ chức trở thành thói quen, trở thành văn hóa phổ biến ở các nước. Trong khi đó thì chúng ta cũng mới chỉ đang loay hoay hướng tới thói quen ứng xử ấy bằng bệ đỡ của quy định từ chức tại dự thảo nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
Vì sao vậy?
Với tôi, câu trả lời đó là vì “giáo dục”. Bác Hồ từng nói: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên. Hơn nữa, GS Chu Hảo đã khẳng định nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục.
Nền giáo dục của chúng ta hiện nay đã và đang không xây dựng được những văn hóa lành mạnh: văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức âm nhạc… và cả văn hóa từ chức.
Giải thích cho hiện tượng thiếu văn hóa từ chức, TS Đinh Xuân Thảo nói: “Chức vụ không chỉ gắn với trách nhiệm mà còn với danh dự, uy tín, đặc biệt với lợi ích vật chất nên trường hợp bần cùng bất đắc dĩ, bị buộc không cho làm nữa thì họ mới chịu thôi, chứ không ai dại gì mà tự nguyện rời bỏ vị trí đang có của mình”.
Rõ ràng, lý do không chịu từ chức này phản ánh phần nào chân dung tinh thần của những thế hệ công dân mà nền giáo dục phổ thông nước ta đã và đang đào luyện.
Giá trị sống trong họ như cái gốc để tạo nên hành vi của họ chẳng phải là lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tinh thần trung thực hay lòng vị tha nhân hậu..., những giá trị sống mà một nền giáo dục công dân hợp lý và tiên tiến góp phần tạo nên cho cộng đồng xã hội.
Văn hóa từ chức ở các nước là quả ngọt của quá trình giáo dục công dân hợp lý và tiên tiến của nước họ. Văn hóa từ chức biểu hiện cho sức khỏe dồi dào của nền giáo dục, cho tính minh bạch và mạnh mẽ của hệ thống chính trị xã hội và cho sức sống vị tha của cộng đồng đất nước.
Giáo dục công dân làm cho mọi người có thể ra những quyết định đúng đắn và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm đối với cuộc sống riêng và đối với cộng đồng. Không đơn giản là dạy làm người công dân.
Vì vậy, môn giáo dục công dân không phải là nỗ lực khép mọi người vào cùng một cái khuôn của những chuẩn mực, cũng không phải là tiến trình tạo nên những công dân “tốt” hay “mẫu mực”.
Giáo dục công dân cần là tiến trình giúp học sinh được trải nghiệm, được sống chứ không phải là chuẩn bị sống, để các em phải suy nghĩ, phải trăn trở tự tìm cho mình cách sống, cách ứng xử phù hợp với bản thân, với cộng đồng xã hội.
Nhờ vậy, các em có thể trở thành những thế hệ công dân: có nhận thức sâu sắc về quyền lợi và trách nhiệm của một công dân, hiểu biết đầy xúc cảm về thế giới chính trị và xã hội, quan tâm đến hạnh phúc và lợi ích của người khác, tích cực trong cộng đồng, có khả năng tác động tích cực đến cộng đồng, và có trách nhiệm đối với hành vi ứng xử của bản thân và hậu quả của chúng với tư cách là những người công dân.
Và tương lai tươi sáng bền vững của nước nhà nằm trong tay những thế hệ công dân như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận