01/08/2013 08:09 GMT+7

Minh bạch một nửa

ĐÀM VĂN
ĐÀM VĂN

TT - Giá điện lại tăng!

Thủ tướng đã yêu cầu công khai minh bạch giá điện, than, xăng dầu. Đây là yêu cầu cần thiết bởi những tập đoàn được giao cung ứng những mặt hàng thiết yếu thường có quyền lực rất tự nhiên và có thể gây tác động không nhỏ mỗi khi điều chỉnh giá. Tuy nhiên, việc công khai minh bạch trên thực tế các mặt hàng xăng dầu, than, điện... còn khó khăn, không chỉ ở quyết tâm của các đơn vị thực hiện mà cả từ cơ chế...

Đã có không ít phát biểu của các tập đoàn, thậm chí cả lãnh đạo bộ, rằng giá điện, giá xăng dầu... đã công khai lắm rồi. Giá thành điện thì được kiểm toán, công bố trước khi tăng giá điện. Giá xăng dầu thì giá thế giới công bố hằng ngày trên Internet, các loại thuế phí đều đã được quy định, chỉ cần cộng vào là rõ... Tuy nhiên, thực tế đó chỉ là một nửa của sự minh bạch. Bởi công khai như thế, người dân vẫn không thể hiểu nổi bản chất của giá thành, sự lỗ lãi của các “ông lớn”. Ví dụ giá thành điện dù được công bố, nhưng trong giá thành gồm những gì lại không được công khai hết. Trong khi đó, các chi phí nhạy cảm có thể “ẩn” trong những khoản chi rất cụ thể. Như giá nguyên vật liệu, chi cho bộ máy điều hành, chi tiếp khách, chi quỹ khen thưởng phúc lợi, chi đào tạo cán bộ trong và ngoài nước, chi hội nghị hội thảo... Báo cáo kiểm toán được coi là văn bản có thể làm sáng tỏ các vấn đề trong doanh nghiệp thì hiện nay cũng chỉ công khai bản tóm tắt, còn bản chi tiết thể hiện từng vấn đề, từng khoản chi lại rất ít người, chủ yếu là các cơ quan chức năng mới được tiếp cận.

Theo một chuyên gia ở Hiệp hội Năng lượng, công khai minh bạch không thể là “công khai một cục”, nghĩa là tung một vài con số tổng thể ra và nói con số đó đã được kiểm toán xác nhận. Bởi nếu chỉ có con số tổng thể thì ngay cả những chuyên gia sừng sỏ nhất cũng không thể phân tích được tính hợp lý, tính chính đáng của các khoản chi; vị bộ trưởng giỏi nhất cũng không thể đánh giá đúng được cán bộ. Đó là chưa kể trong mỗi ngành còn những “góc khuất” mà người ngoại đạo ít biết đến để có thể hỏi. Như ngành điện có “điện tự dùng” do chính các nhà máy điện sử dụng. Muốn biết nó hợp lý ra sao, tính vào giá điện như thế nào thì phải công bố mức sử dụng của từng nhà máy, bởi mỗi nhà máy có công nghệ rất khác nhau. Nên không thể nói “điện tự dùng” giảm là có thể coi đó là thành tích. Hay ngành xăng dầu, định mức hao hụt như thế nào, đã hợp lý chưa... hiện cũng rất khó đánh giá...

Rõ ràng, bên cạnh những vấn đề dư luận quan tâm cần được công khai, cần có cả cơ chế thông tin thường xuyên, định kỳ để việc công khai được thực hiện không chỉ khi các tập đoàn thấy cần! Trong khi rất nhiều bộ ngành có chế độ họp báo định kỳ thì EVN, Petrolimex... với tư cách là các tập đoàn đang có hàng chục triệu khách hàng, có những thắc mắc, đòi hỏi thông tin hằng ngày thì lại không hề có cơ chế họp báo định kỳ. Các cuộc họp báo khi tăng giá điện, giá xăng dầu nếu như trước đây vẫn được tổ chức, thì gần đây cũng cơ bản được... bỏ. Thay vào đó là những bản thông báo với thông tin một chiều, khiến những câu hỏi của người dân, báo chí có muốn nêu cũng không dễ được giải đáp.

Công khai minh bạch là nhu cầu của xã hội, giúp người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi, tăng sự giám sát xã hội, tạo cả áp lực giảm giá cho các ông lớn vẫn độc quyền, thay vì chỉ tăng giá như hiện nay... Thế nhưng về cơ bản, nó vẫn đang dừng lại ở mức “mong muốn” ở một số ngành. Với yêu cầu của Thủ tướng, rất cần những quy định cụ thể hơn, đi kèm chế tài, với những nội dung phải công bố thật chi tiết, để công khai minh bạch không chỉ là quyết tâm và định hướng mà là việc phải được thực hiện trên thực tế.

ĐÀM VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên