30/07/2013 11:40 GMT+7

Phong trào đừng nên làm ào

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Ở nước ta hai tiếng “phong trào” đã trở nên quen thuộc, gần gũi không biết tự bao giờ.

Nó thường gắn liền với một nội dung yêu nước, khi cả đất nước hay cả một khối lượng lớn con người được huy động tập trung dồn sức, dồn chí, dồn tâm cho một mục tiêu lớn lao nhằm đạt tới một hiệu quả thực tế to lớn, một ý nghĩa chính trị xã hội sâu rộng, một sức kích thích tinh thần mạnh mẽ.

700m đường... 1.000 người thi công!

9pE3EOaF.jpgPhóng to
1.000 thanh niên thi công 700m đường giao thông nông thôn ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội - Ảnh: LÂM HOÀI

Cho nên trong tiếng ta khi nói “phát động phong trào” là nói tới một hoạt động của số đông người trải ra trên bình diện rộng cả không gian, thời gian và đều mang một mục đích cụ thể cho từng thời kỳ.

Điều này đặc biệt đúng với những phong trào gắn liền với tuổi trẻ, như phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” suốt những năm chiến tranh, hay như phong trào “Thanh niên tình nguyện” ở TP.HCM 20 năm qua. Những phong trào như thế không chỉ lớn về ý nghĩa tinh thần mà còn lớn về hiệu quả đời sống xã hội.

Tuy nhiên, đã nói tới phong trào thì luôn có hai mặt là bề nổi và bề sâu, thực chất và hình thức. Không phủ nhận những cống hiến to lớn của các phong trào từng có trước đây cũng như hiện nay trong toàn xã hội, nhưng cũng phải thừa nhận có những phong trào chỉ nặng tính hình thức, khoa trương, phát động mà không thực hiện, thực hiện mà không hiệu quả, hiệu quả mà không tương xứng tầm vóc, ý nghĩa phong trào. Bây giờ ở ta dễ có bệnh phong trào.

Làm một việc gì cũng gọi là phát động phong trào, cũng ra quân, phát động chiến dịch, huy động người rầm rộ, trống giong cờ mở, đài báo quay hình đưa tin, làm ào ạt. N

hưng rồi sau một thời gian phong trào xẹp xuống, việc đâu vẫn hoàn đấy, như các phong trào “đường thông hè thoáng”, phong trào an toàn giao thông, thực là như dân gian nói “bắt cóc bỏ đĩa”, đường vẫn tắc hè đường vẫn bị chiếm dụng, xe cộ đi lại vẫn mất an toàn, luật lệ giao thông vẫn bị vi phạm, dù đã có bao lần ra quân chiến dịch của các lực lượng chức năng cùng với thanh niên, sinh viên tình nguyện.

Lại có những phong trào hô hào đông người để chỉ làm những việc hình thức, không đáng phải tốn công tốn sức đến vậy, như đem 1.000 người lại toàn là thanh niên ra thi công 700m đường giao thông nông thôn ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Tuổi Trẻ ngày 29-7-2013).

Thử tưởng tượng trên đoạn đường chưa đầy 1km, 1.000 người đứng chen chúc, cựa quậy đã khó, nói chi việc vận chuyển vật liệu. Cốt lấy tinh thần, cốt tạo hiệu ứng thanh niên xung kích, lời người lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội nói. Nhưng ai nhìn vào cảnh tượng đó thì thấy thật là phô trương, hình thức, không cần thiết.

Thời chiến, trước mỗi trận đánh lớn, bộ đội thường làm lễ xuất quân. Ra quân, đi chiến dịch, đó là những từ ngữ thường dùng trong quân sự để chỉ những trận đánh có mục tiêu hẳn hoi và với nhiệm vụ là phải dứt điểm mục tiêu, giải quyết xong một đòi hỏi của chiến trường.

Chiến tranh đã qua nhưng trong thời bình liên quan đến chuyện phong trào thì tư duy quân sự vẫn còn hiện diện, như đã nói, ở sự “ra quân” và “chiến dịch”, nhưng cách thực hành tư duy đó thì không được như trong quân sự.

Trong khi chưa bỏ được kiểu tư duy quân sự trong thời bình, nghĩa là trước mỗi công việc đừng phát động gì cả, ra quân gì cả, cứ tiến hành làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành được giao, làm kiên trì thật tốt, thật có kết quả thì nếu đã ra quân, đã làm chiến dịch thì phải dứt điểm, phải thực chất, phải kết quả lâu dài, bền vững. Đến ngay trong quân sự, khi cần thông đường khẩn cấp cũng không ai phát huy tinh thần xung kích bằng việc rải 1.000 quân trên đoạn đường 700m cả.

Vậy xin có câu vần vè thế này: Phong trào đừng nên làm ào/Cốt là hiệu quả, chớ hao sức người!

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên