Một cửa nhiều khóa, thủ tục phức tạp, tốn kém... đã được đề cập qua nhiều hội nghị về cải cách hành chính những năm qua. Đến nay, năm 2013, sau nhiều năm thực hiện cải cách, nếu so ngay các con số trong báo cáo của Bộ Nội vụ phục vụ phiên họp trực tuyến do Văn phòng Chính phủ tổ chức sẽ thấy để đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính vẫn không đơn giản. Ví dụ tổng số thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa là trên 3.300 thì với 237 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới, 1.053 thủ tục hành chính lại được quy định trong đó. Các cơ quan chức năng cũng đã ban hành tới trên 2.100 quyết định công bố thủ tục hành chính và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia... Như vậy, thủ tục hành chính mới, chưa kể giấy phép con liên tục được ban hành, trong khi số thủ tục hành chính giảm đi thì không nhiều và nhanh như thế. Theo ông Trần Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Nội vụ, bản thân việc thi công chức trực tuyến hay thi nâng ngạch cạnh tranh mới được áp dụng nhưng đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Bởi đơn giản có thể chỉ vì thói quen, nhưng cũng có thể vì như thế không phải công chức nào thi đạt điểm trung bình cũng có thể được nâng ngạch, ảnh hưởng đến tiền lương của họ.
Giải quyết tận gốc thủ tục hành chính phải giải quyết vấn đề công chức, viên chức. Đáng mừng là có địa phương khẳng định đã chỉ ra được 30% công chức “có cũng được, không có cũng được”. Nhưng cơ chế hiện tại để giải quyết đối tượng này lại không dễ. Trả lời ngoài hành lang trước băn khoăn của phóng viên, ông Trần Anh Tuấn cho biết số công chức trên vẫn phải áp dụng theo Luật cán bộ công chức, nghĩa là hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho nghỉ. Như vậy, có nghĩa “phát hiện” xong cũng phải hai năm liền họ không hoàn thành nhiệm vụ mới có thể đưa ra khỏi bộ máy. Còn nếu năm này kém, sang năm họ “tìm được cách” nhích lên thì cũng không dễ đưa ra khỏi bộ máy. Ông Tuấn chỉ nói “trách nhiệm của lãnh đạo phải cao”, nhưng ai cũng hiểu chính lãnh đạo cũng bị áp lực, bởi những người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” thường có “quan hệ”. Họ hoàn toàn có thể được lãnh đạo giao đột xuất việc để “lên hạng”, hoặc làm ít, làm kém nhưng vẫn được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ”...
Càng khó khăn, càng phải thúc đẩy cải cách hành chính bởi cần phải tháo gỡ giúp người dân, doanh nghiệp bớt chi phí, vượt qua khó khăn. Nhưng để cải cách hành chính đạt hiệu quả, rõ ràng ngoài yêu cầu quyết tâm từ các cấp, còn cần cơ chế quản lý, giám sát tốt, công khai minh bạch hơn nữa việc đánh giá công chức. Bên cạnh đó là cơ chế kiểm tra, xử lý những đơn vị “không quan tâm”, không đạt hiệu quả trong cải cách hành chính. Có thế mới tránh được kiểu “chặt” thủ tục này lại “mọc” thủ tục khác hay hội chứng 9C, tức “con cháu các cụ cả, các cậu chiếu cố”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận