16/07/2013 08:02 GMT+7

Làng cổ cần tư duy mới

THU HÀ
THU HÀ

TT - Và bây giờ phố cổ Đồng Văn - di tích cấp quốc gia, khu phố đẹp đẽ thơ mộng trên cao nguyên đá - đang bị người dân địa phương bức xúc đòi trả lại danh hiệu vì cuộc sống quá khó khăn, thiếu tiện nghi do không được phép tự ý sửa chữa, nâng cấp.

Đồng Văn không phải là di tích quốc gia đầu tiên bị dân đòi trả lại danh hiệu. Trước đó, Đường Lâm, làng cổ nơi khai sinh hai vị anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền, đã lâm vào tình trạng dở khóc dở cười tương tự.

Các cơ quan quản lý địa phương cũng như cơ quan chuyên môn của Bộ VH-TT&DL đều chưa có cách giải quyết thấu đáo hợp tình hợp lý cho những vụ đòi “trả ngược” danh hiệu này. Hình như ở những di tích văn hóa và cũng là những địa danh du lịch rất hấp dẫn này, danh tiếng tỉ lệ nghịch với mức sống của người dân nên mới sinh ra phản ứng tiêu cực đến thế.

Còn nhớ năm 1994, khi nhà thiết kế Minh Hạnh lên bản Lác - một bản nhỏ nằm trong thung lũng Mai Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) - và mang về những mảnh thổ cẩm dệt từ tay những cô gái Thái xinh đẹp của bản để may lên thành những họa tiết trên chiếc áo dài cách tân đầy táo bạo của chị thì bản Lác vẫn chỉ là một bản Thái nghèo bình lặng khép mình trong chập chùng đèo dốc Tây Bắc, và Mai Châu vẫn chỉ là một địa danh nên thơ nhưng mơ hồ sương khói trong câu thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Nhưng khi những mẫu áo dài thổ cẩm tràn ngập trên sàn diễn thời trang Việt những năm 1995-2000 thì làn sóng “du lịch Mai Châu” bùng nổ với các sản phẩm: thổ cẩm, cơm nếp nương, uống rượu cần, đạp xe địa hình và ngủ nhà sàn. Và không ai phủ nhận rằng mấy trăm ngôi nhà sàn trong thung lũng Mai Châu đã được người dân tự nguyện giữ lại nguyên trạng và đời sống mấy ngàn người dân nơi đây cũng sung túc hẳn lên do “bán” được cái duyên nếp nướng, thổ cẩm, nhà sàn...

Phát triển song hành cùng văn hóa là thế.

Ở Nhật Bản có ngôi làng cổ Shirakawa-go được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1995. Dân làng không chỉ tự hào vì danh hiệu, mà nói như trưởng làng: “Chủ yếu là vì đến giờ này dân làng vẫn giữ được những ngôi nhà cổ “mái chắp tay” bằng tranh dày đến 1m, độc nhất vô nhị trên thế giới”.

Bài toán truyền thống và phát triển được giải không chỉ bằng tình yêu vô điều kiện của dân làng với những ngôi nhà mái chắp, mà còn bằng con số 1,7 triệu lượt khách du lịch/năm trên tổng số 1.800 dân của làng. Khách có thể ngủ lại trong mỗi ngôi nhà mái chắp ấy với giá rất rẻ. Những đồ lưu niệm ở làng Shirakawa-go cũng hết sức đẹp đẽ và tinh tế: những chiếc cốc gốm nung hai lửa kiểu Nhật, những bánh xà phòng chiết xuất từ rượu sake... không ai có thể rời làng mà không mang theo 5-7 món quà thật sự ý nghĩa như thế.

Đường Lâm có sản vật địa phương là gì? Người dân Đường Lâm có sẵn lòng cho khách ngủ lại trong những ngôi nhà đá ong thân thiện với giá rất hữu nghị?

Đồng Văn với những ngôi nhà trình tường đông ấm hạ mát, những dốc đá cheo leo hấp dẫn cánh nhiếp ảnh, những vò rượu ngô thơm nồng, những vườn đào rực rỡ mùa xuân... Tất cả sao không thành sản phẩm du lịch để những nguồn thu ấy thành ngân sách cụ thể giúp người dân đủ tiền “trình” lại những bức tường sắp sụp, lợp lại những mái ngói đã mục? Bài toán ấy không giải được thì không ngân sách nào đủ bảo tồn phố cổ, làng cổ và chẳng ai ngăn được người dân cảm thấy chán ngán với những danh hiệu vô hồn.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên